A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao chất lượng đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức sáng 14/3, các đại biểu đã làm rõ vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp Công đoàn trong việc thương lượng, đàm phán, ký kết và thực hiện TƯLĐTT một cách hiệu quả, đặc biệt là vai trò của Công đoàn cấp trên sau khi hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn được sắp xếp, tinh gọn.

Công tác đối thoại vẫn còn nhiều hạn chế

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố, sự trách nhiệm, vào cuộc của cả hệ thống Công đoàn, công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Nâng cao chất lượng đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc cho đoàn viên, người lao động, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, xã hội, đoàn viên, người lao động đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện công tác đối thoại, thương lượng tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại nhiều nơi còn thiếu chủ động, hình thức, ít nội dung, chưa chú trọng các vấn đề cốt lõi, chủ yếu tập trung ở cấp doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều tới các hình thức đối thoại ngoài doanh nghiệp.

TƯLĐTT có độ bao phủ chưa rộng, nhiều bản chất lượng còn thấp, hết hạn chưa được ký kết lại. TƯLĐTT có nhiều doanh nghiệp tham gia còn ít, khả năng mở rộng thấp; quy trình thương lượng chưa thực chất, chưa theo quy định; vai trò của Công đoàn cấp trên hỗ trợ Công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa thực sự quan tâm, có nơi còn xem nhẹ…

"Chúng ta đang cùng cả hệ thống chính trị quyết liệt, gấp rút thực hiện sắp xếp bộ máy, tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, trong đó, tới đây, tổ chức Công đoàn sẽ có cơ cấu mới, bộ máy mới, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp sẽ có sự điều chỉnh phù hợp…

Những thay đổi này vừa tạo thuận lợi, cơ hội, vừa đặt ra nhiều nội dung, thách thức và yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động Công đoàn các cấp, nhất là vấn đề về đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, một khâu đột phá quan trọng được Đại hội Công đoàn Việt Nam, Đại hội Công đoàn Thủ đô đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 - 2028”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Triển khai khâu đột phá phát triển Công đoàn Thủ đô

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận chính xác bối cảnh và những vấn đề tác động đến công tác đối thoại, thương lượng tập thể, xác định đúng những thuận lợi, khó khăn, những điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức Công đoàn; vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp Công đoàn.

Từ đó, các cấp Công đoàn đánh giá, lựa chọn chính xác những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần tập trung, đúc rút, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng như ghi nhận các kiến nghị, đề xuất gửi tới cấp ủy, chính quyền các cấp, với Tổng LĐLĐ Việt Nam, các đối tác trong quan hệ lao động…

Nâng cao chất lượng đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đề nghị các chuyên gia, cán bộ Công đoàn tập trung thảo luận vào một số nội dung lớn.

Theo đó, các đại biểu phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội, pháp luật, quan hệ lao động, những vấn đề tác động đến tổ chức và hoạt động công đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể; những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm hạn chế của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể.

Bên cạnh đó, các đại biểu làm rõ vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp Công đoàn trong việc thương lượng, đàm phán, ký kết và thực hiện TƯLĐTT một cách hiệu quả, thực chất, đặc biệt là vai trò của Công đoàn cấp trên sau khi hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn được sắp xếp, tinh gọn.

Đồng thời, các đại biểu cần nêu bật những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, mang màu sắc của Công đoàn Thủ đô; những mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, độ bao phủ của đối thoại, TƯLĐTT. Công đoàn cần dành nguồn lực như thế nào cho nhiệm vụ đối thoại, thương lượng (cả về nhân lực, tài chính, chính sách…) để đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước, với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, với Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thành phố… để giúp tổ chức Công đoàn triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ Công đoàn các cấp đã tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp để các cấp Công đoàn có đủ điều kiện, thế và lực làm tốt công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết