A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mỗi năm thu 3.600 tỷ đồng tiền đăng ký biển số xe nhưng CSGT không được ''hưởng lợi''?

Theo Bộ Công an, mỗi năm thu khoảng 3.600 tỷ đồng lệ phí biển số xe nhưng chưa được trích lại cho lực lượng Cảnh sát giao thông để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất...

Biển số trúng đấu giá sẽ gắn theo người suốt đời như CCCD

Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến người dân, chuyên gia và các Bộ, ban, ngành trong 2 tháng.

Cụ thể, theo để xuất của Bộ Công an, biển số ô tô đuợc lựa chọn đấu giá sẽ có nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẽ là những trường hợp được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân).

Việc đấu giá biển số xe, được Bộ Công an đề xuất giao Công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê Tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Trong khi đó giá khởi điểm khi đấu giá mỗi biển số được quy định cụ thể như sau: Vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): Giá khởi điểm = giá lệ phí x 2. Ví dụ tại Hà Nội giá lệ phí với biển số xe ô tô hiện nay là 20 triệu đồng *2, vì vậy giá khởi điểm đưa gia đấu giá ở thủ đô là 40 triệu đồng.

Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): Giá khởi điểm = giá lệ phí xe* 10.

Sau khi các cá nhân, tổ chức trúng biển số đấu giá sẽ được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người); khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá và sẽ gắn theo tên người đăng ký suốt đời, giống như Thẻ Căn cước công dân.

Giải thích thêm về việc biển số gắn theo người suốt đời thay vì theo xe, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT-Bộ Công an cho biết, "việc này sẽ khiến người dân có trách nhiệm đến cùng với phương tiện, tài sản do mình sở hữu và giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Được lựa chọn biển số theo sở thích?

Qua quá trình soạn thảo và nghiên cứu nhu cầu của người dân, Ban soạn thảo đánh giá, trên thực tế sẽ có nhiều người lựa chọn biển số theo ý thích cá nhân, không phải "biển đẹp", "số đặc biệt" theo quan niệm của một số người, ví dụ biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm,…

Về việc này, đại diện Cục CSGT cho rằng, "hiện nay việc bấm biển số đang theo quy trình ngẫu nhiên nên không có quy ước số đẹp hay số xấu và khi đấu giá biển số xe cũng vậy, chúng tôi không đưa ra khái niệm số đẹp, số xấu vì đẹp hay xấu là do cảm tính, sở thích của từng người. Do vậy Ban soạn thảo đề xuất để cho người dân lựa chọn biển số theo sở thích, nhu cầu để đấu giá".

Với đề xuất này, Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định: "Bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá, 01 người tham gia đấu giá, 01 người trả giá, 01 người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu".

Mỗi năm thu 3.600 tỷ đồng tiền đăng ký biển số xe nhưng CSGT không được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Việc cấp biển số hiện nay diễn ra tại phòng CSGT ở các quận, huyện, tài xế ấn biển số ngẫu nhiên qua hệ thống phần mềm.

Đề xuất tiền đấu giá sẽ được trích cho lực lượng CSGT một phần

Số liệu báo cáo của Bộ Công an cho thất, từ ngày 01/01/2009 đến 01/8/2021, toàn quốc đăng ký 5 triệu xe ô tô và 74 triệu xe mô tô (mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau).

Với số lượng phương tiện lớn đăng ký hằng năm, số tiền thu lệ phí đăng ký biển số theo thống kê riêng năm 2020 thu 3.892 tỷ Việt Nam đồng, 6 tháng đầu năm 2021 thu 1.797 tỷ Việt Nam đồng và trung bình mỗi năm thu khoảng 3.600 tỷ đồng, nhưng toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước, chưa được trích lại cho lực lượng Cảnh sát giao thông để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác trong tình hình mới.

Từ thực tế này, Cơ quan soạn thảo đề xuất: Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Như vậy, thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các nội dung trên sẽ có tác dụng tích cực:

Cụ thể, việc chuyển đổi từ biển số đi theo xe sang biển số đi theo người (bán xe được giữ lại biển số và được đăng ký sử dụng biển số đó khi mua xe mới) sẽ rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chủ phương tiện có quyền lựa chọn biển số xe theo sở thích, song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay.

Đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường (có định hướng xã hội chủ nghĩa), công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Khai thác có hiệu quả biển số (tài sản công) để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế-xã hội.

Dự kiến nếu thuận lợi, Nghị quyết được thông qua thì việc thí điểm đấu giá biển số xe sẽ diễn ra trong năm 2022.

Từ năm 1993, Cục CSGT từng đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Nhiều năm trước, Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Trong năm 2020, Bộ Công an từng đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông để trình Chính Phủ, Quốc hội, tuy nhiên chưa được thông qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết