A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Minh bạch tài sản

Tại cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt lưu tâm tới công tác tuyển chọn cán bộ và đặt ra vấn đề ngăn chặn những biểu hiện giàu nhanh, sở hữu nhiều nhà đất và tài sản không minh bạch, cũng như lối sống không đúng mực của một số cá nhân trong cán bộ, đảng viên.

Article thumbnail
Thanh tra Chính phủ bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập. Ảnh: LP

Công việc này đang thu hút sự chú ý rộng rãi từ dư luận, đặc biệt sau khi có những trường hợp Uỷ viên Trung ương phải đối mặt với hậu quả pháp lý do vi phạm trong việc kê khai tài sản.

6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng xác minh hơn 4.000 bản kê khai tài sản, thu nhập, đã phát hiện 2 trường hợp không trung thực.

Tại tỉnh Nghệ An, trong khoảng thời gian này, qua kiểm tra, có cán bộ đã phải xin nghỉ việc do vi phạm quy định về kê khai tài sản.

Những vấn đề trên cho thấy thực trạng các nguồn thu nhập của cán bộ rất khó để xác định tường minh, và số người sai phạm chỉ là thiểu số? Điều này không hẳn, nhưng có một thực tế là, hầu như các vụ việc tham nhũng khi đã phanh phui bại lộ, người ta mới phát hiện ra những đối tượng tham nhũng đó có rất nhiều tài sản mà trước đó ẩn đi, kê khai không trung thực.

Rõ ràng, chủ trương kê khai tài sản, thu nhập để phòng chống tham nhũng là đúng. Nhưng một số người đã che giấu tài sản để thăng tiến trong sự nghiệp, chỉ khi bị pháp luật can thiệp mới phát hiện ra. Mặc dù tỉ lệ người kê khai tài sản không trung thực theo thông báo chính thức của cơ quan chức năng rất nhỏ, nhưng dường như người ta có cảm giác đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Phải chăng vẫn có những biệt phủ, miệt vườn, nhà lầu, tài khoản ngân hàng không được công khai trong các biểu mẫu kê khai tài sản, thu nhập?

Nhìn vào lối sống, sinh hoạt, nơi ở, tiêu sài của một số người thân cán bộ, có không ít người dân tiếp tục thắc mắc trước sang trọng, xa xỉ đáng ngờ của họ, với những căn biệt thự hoành tráng, đất đai mênh mông và các phương tiện di chuyển đắt tiền.

Có điều, với cơ quan chức năng, khi điều tra, phòng chống tham nhũng, việc xác định nguồn gốc và quy mô của tài sản này trong bối cảnh mà nhiều người luôn cố gắng che giấu là một thách thức lớn.

Từ độ vênh về khối tài sản thực có và giấy tờ công khai đã đặt ra cho cơ quan chức năng bài toán: Cần phải xem xét lại các quy định và biện pháp thực hiện, để khắc phục những hạn chế và lỗi thời trong quá trình kiểm tra, kê khai tài sản thu nhập. Sự công khai rộng rãi các bản kê khai tài sản được coi là biện pháp quan trọng trong việc giám sát sự trung thực và ngăn chặn gian lận. Đồng thời, việc kiểm tra và kiểm kê cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc và toàn diện.

Ngoài ra, việc kiểm tra tài sản của vợ, chồng, con cái và người thân cũng cần được thực hiện. Bởi có một vài người đã lợi dụng chức quyền, lạm dụng quyền lực để cho người thân trục lợi. Nhất là với cán bộ ở vị trí cao cần phải tự nêu gương, cảnh giác, để không tạo ra những phe cánh quyền lợi cục bộ, hoặc cho người thân làm giàu bất chính.

Việc làm giàu chính đáng là đáng khuyến khích, nhưng cần phải cảnh giác với các biểu hiện giàu có bất thường và giàu có do tham nhũng. Kê khai tài sản không chỉ là một công cụ hiệu quả trong việc chống tham nhũng mà còn là một bài học quý giá để nâng cao sự minh bạch và trung thực trong quản lý và điều hành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết