A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp lớn

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Article thumbnail
Lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp lớn. Ảnh: N.Bắc

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp.

Điều này, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.

Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, theo nhận định của Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ nnhắc đến đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 và vượt qua các khó khăn, thách thức để khôi phục kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động an sinh xã hội với truyền thống “tương thân tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Thủ tướng chia sẻ ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua.

Nhấn mạnh “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay”, Thủ tướng cũng cho hay, Việt Nam còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao.

Ông mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa - một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.

Phải có những đột phá, bứt phá

“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng cho biết Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới, như đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hội nghị Trung ương 10 cũng thảo luận về xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; triển khai các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu như sắp xếp dân cư, di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ứng phó hạn mặn, sụt lún, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long…

Nêu rõ đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, Thủ tướng nêu, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước như: phải tăng trưởng xanh, bền vững; thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Vì thế, tại hội nghị này, Thường trực Chính phủ muốn được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị giải pháp tháo gỡ, chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết