A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn thấm nhuần đạo đức cách mạng

Trong hơn 90 năm qua, Đảng và Bác Hồ đã đặt nền móng, cơ sở lý luận, lãnh đạo, rèn luyện giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, đồng thời phải chú trọng quan điểm lợi ích riêng đi đôi với lợi ích chung theo quan điểm của Đảng; sức mạnh của tổ chức Công đoàn chính là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
 

* Ghi nhớ lời dặn của Bác

Cách đây 65 năm, ngày 14/3/1959, phát biểu trước đội ngũ cán bộ Công đoàn tại Hội nghị cán bộ Công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Nhiệm vụ của công nhân và Công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, Công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Nhà nước đề ra". Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ Công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa".

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Văn Lâm (Hưng Yên) Trịnh Trung Kiên cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động, các cấp Công đoàn trong huyện luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là người đứng đầu, cấp trên làm gương cho cấp dưới, người giữ chức vụ chủ chốt càng phải gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lấy tư tưởng của Bác để soi rọi bản thân, suy nghĩ và hành động, đổi mới tác phong làm việc, gần gũi công nhân lao động, hướng về cơ sở, vì lợi ích thiết thực của đoàn viên Công đoàn.

Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đặt ra mục tiêu: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm và biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong công nhân, viên chức lao động, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; góp phần tu dưỡng, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, mang dấu ấn đậm nét qua các phong trào tiêu biểu như: Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, “Mái ấm Công đoàn”, "Tết Sum vầy", “Tháng Công nhân” cũng như các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”…

* Gắn kết giữa thi đua và yêu nước

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ, sự cần thiết phải gắn kết giữa yêu nước và thi đua. Theo Người, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu và phát huy sức mạnh cả vật chất lẫn tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong lao động sản xuất, chiến đấu…, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, quê hương.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, là một tấm gương mẫu mực về phong cách sống và làm việc. Người đã dành trọn cả cuộc đời mình hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức và phong cách, trong đó phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 90 năm qua đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, đồng hành cùng dân tộc trong hành trình hướng tới khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, Công đoàn các cấp cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ để tổ chức Công đoàn thực sự là cầu nối giữa Đảng và đoàn viên, người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước; tích cực đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục khẳng định vai trò giai cấp công nhân Việt Nam trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh việc triển khai các hình thức tuyên truyền trực quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, Công đoàn các cấp kết hợp tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất để lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo của công nhân, viên chức và người lao động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...

Công đoàn là cầu nối giữa Đảng và đoàn viên, người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, xây dựng và bảo vệ tổ chức Công đoàn là nội dung rất quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước…/.

Đỗ Bình


Tác giả: Đỗ Phương Bình
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết