A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giữ nguyên lãi suất điều hành - Liều thuốc kích cầu hiệu quả cho nền kinh tế

Sáng 8/7, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà chủ trì, NHNN quyết định giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Động thái này không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ mà còn mang đến một “liều thuốc tiếp sức” kịp thời cho hệ thống tín dụng, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà chủ trì thông tin tại họp báo. Ảnh: NH

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, việc NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2025 là bước đi chủ động và tính toán kỹ lưỡng. Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, chính sách này nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự ổn định của lãi suất điều hành góp phần tạo nền tảng vững chắc để hệ thống ngân hàng linh hoạt triển khai các sản phẩm tín dụng, đảm bảo thanh khoản mà không gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay. Trong một môi trường tiền tệ ổn định, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào chính sách điều hành của Nhà nước được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tín dụng - “mạch máu” của nền kinh tế - đang được dẫn dắt hiệu quả dưới định hướng điều hành của NHNN. Tính đến hết tháng 6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, mức tăng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc giữ nguyên lãi suất điều hành kết hợp với các chính sách tín dụng chủ động và linh hoạt.

Thay vì dàn trải, NHNN hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất – kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ, nhà ở xã hội, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản cao cấp, đầu cơ tài sản. Bên cạnh đó, hàng loạt gói tín dụng mục tiêu quy mô lớn đã được triển khai, nổi bật như: Gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ; gói 500.000 tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng và chuyển đổi số; gói 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; các chương trình này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực then chốt mà còn góp phần ổn định xã hội và đảm bảo an sinh.

Trong nỗ lực kéo giảm chi phí đầu vào, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, coi đây là một trong những giải pháp căn cơ giúp giảm chi phí vận hành và từ đó có thể giảm lãi suất cho vay.

Kết quả ghi nhận cho thấy, tỷ lệ giao dịch ngân hàng trên kênh số đã vượt mốc 95% tại nhiều ngân hàng. Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng ấn tượng: Giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179,14% về giá trị; qua Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua điện thoại di động tăng gần 40% về số lượng

Cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử của ngành ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp.

Không chỉ dừng ở giao dịch, nhận diện sinh trắc học và xác thực số hóa cũng được triển khai mạnh mẽ, với hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân đã được xác thực qua căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID – tương đương gần 100% số tài khoản giao dịch điện tử. Điều này góp phần bảo đảm an toàn hệ thống và phòng chống rủi ro gian lận tài chính.

Một trong những trụ cột vững chắc giúp ổn định kinh tế vĩ mô chính là chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả của NHNN. Trong nửa đầu năm, tỷ giá đồng Việt Nam diễn biến linh hoạt nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhờ sự phối hợp đồng bộ của các công cụ chính sách tiền tệ.

NHNN đã đảm bảo thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần ổn định cán cân thanh toán quốc tế, củng cố niềm tin vào đồng nội tệ và duy trì môi trường lạm phát thấp.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: 5 nhóm giải pháp “tăng tốc” trong nửa cuối năm 2025, gồm: Tiết giảm chi phí vận hành, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối và kiểm soát lạm phát. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, công nghệ, nông nghiệp và tránh rủi ro từ các lĩnh vực “nóng”. Tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phòng ngừa và hạn chế nợ xấu mới. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai Nghị định liên quan đến cơ chế thử nghiệm tài chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay không chỉ là hành động mang tính kỹ thuật, mà còn là thông điệp chính sách rõ ràng về sự kiên định trong điều hành linh hoạt, ổn định, đồng bộ và hiệu quả. Với loạt giải pháp đồng bộ từ điều hành tiền tệ, tín dụng, tỷ giá đến chuyển đổi số, hệ thống ngân hàng đang thể hiện vai trò trụ cột trong việc dẫn dắt nền kinh tế vượt qua thách thức và bứt phá trong giai đoạn tới.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết