A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khủng hoảng tinh thần vì áp lực công việc trước mỗi kỳ nghỉ

Mùa hè hay các kỳ nghỉ lễ, đó là thời điểm khi các "con ong" chăm chỉ trốn khỏi văn phòng để xả stress. Song, trước khi vội vàng ra sân bay đi du lịch, nhiều người thường cố gắng hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi để có cảm giác yên tâm.

 

Nghỉ cũng như không vì áp lực công việc

Thời gian nghỉ ngơi vô cùng quý giá, nhưng hầu hết đầu óc mọi người vẫn quẩn quanh đến những dự án dang dở hay những yêu cầu gấp gáp từ đồng nghiệp. Nhiều người có thói quen làm việc trước kỳ nghỉ với cường độ cao tới mức họ cần một kỳ nghỉ khác để phục hồi sức khỏe.

Jennifer Petriglieri, giáo sư hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Pháp INSEAD cho biết, một tuần trước kỳ nghỉ có thể rất khác nhau trong văn hóa làm việc của các quốc gia.

Chẳng hạn, ở Pháp và Italy, người ta vẫn có cảm giác còn một vài việc cần hoàn thành, có thể sẽ phải gấp rút vào phút cuối. Tuy nhiên, không nơi nào có mức độ căng thẳng như ở Mỹ.

Giới văn phòng khủng hoảng tinh thần vì áp lực công việc trước mỗi kỳ nghỉ - Ảnh 1.

Công việc nhân đôi trước mỗi kỳ nghỉ

Cách các doanh nghiệp Mỹ nhìn nhận về thời gian nghỉ ngơi của nhân viên vô cùng gắt gao. "Có cảm giác bạn đang làm điều gì đó tội lỗi khi quyết định nghỉ phép và không đóng góp cho công việc", Petriglieri nói. Cảm giác này khiến những người xin nghỉ phép phải làm việc chăm chỉ hơn trước khi vắng mặt tại văn phòng.

Đầu năm 2022, nền tảng đánh giá doanh nghiệp ẩn danh Glassdoor (Mỹ) đặt một câu hỏi cho 20.297 người: "Trong PTO (Paid Time Off - nghỉ phép có lương), bạn có nghỉ ngơi thực sự?".

Kết quả, 54% người tham gia đã trả lời: "Không".

Công việc văn phòng thường có thể làm trước, do đó tăng ca trước kỳ nghỉ vẫn dễ hiểu. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực khác, làm việc cường độ cao trước kỳ nghỉ sẽ không giúp ích gì về năng suất khi bạn vắng mặt.

Giáo viên là nghề gặp nhiều khó khăn nhất khi 73% người được hỏi rằng không thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.

Đứng thứ hai là nghề luật sư với tỷ lệ 71%. Tiếp theo là các chuyên gia lĩnh vực kế toán (59%), tài chính (55%) và tư vấn viên (51%).

Trong khi đó, 56% những nhân viên thuộc khối ngành công nghệ hoặc chăm sóc sức khỏe lại khá dễ dàng, thoải mái trong kỳ nghỉ của mình.

Nguyên nhân từ đâu?

Một số lý do chính khiến nhân sự không thể "rút phích cắm" khỏi công việc, bao gồm:

- Văn hóa làm việc độc hại

- Chế độ PTO không đầy đủ hoặc không rõ ràng

- Chưa hoàn thành công việc đang làm

- Sợ ảnh hưởng tới thăng tiến trong sự nghiệp.

Khủng hoảng phút cuối trước kỳ nghỉ cũng có thể đến từ mong muốn không bỏ dở các nhiệm vụ. Laura Giurge, giáo sư khoa học hành vi tại Trường Kinh tế London (Anh) cho rằng nhiều người lao động cảm thấy cần gạch hết danh sách việc cần làm để rút khỏi công việc một cách trọn vẹn, yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ.

Đây được xem là triệu chứng của một nền văn hóa cho rằng "mọi người phải làm việc để xứng đáng được thư giãn", Giurge nhận định. Một phần nguyên nhân cũng đến từ tâm lý, bạn có thể không thoải mái về tinh thần, thậm chí căng thẳng nếu có những nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Giới văn phòng khủng hoảng tinh thần vì áp lực công việc trước mỗi kỳ nghỉ - Ảnh 2.

Làm việc ngay cả khi nghỉ phép là điều khó tránh khỏi

Khối lượng công việc nặng nề có thể làm giảm hạnh phúc của con người trong suốt thời gian trước kỳ nghỉ. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 cho thấy phụ nữ phải đối mặt với gánh nặng kép trước kỳ nghỉ, cả ở công ty và ở nhà.

Dù vậy, nghiên cứu này cũng phát hiện rằng các kỳ nghỉ làm khơi dậy cảm giác mong đợi và điều này góp phần cải thiện tâm trạng của mọi người, miễn là khối lượng công việc trước kỳ nghỉ không quá điên cuồng.

Chúng ta nên làm gì?

Để giải quyết tình trạng này, Petriglieri đưa ra quan điểm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể gián tiếp giúp thời gian trước kỳ nghỉ trở nên bớt điên cuồng hơn. Họ có thể nhấn mạnh thông điệp về tầm quan trọng của kỳ nghỉ, đồng thời chấp nhận việc năng suất có thể sụt giảm khi nhân viên không có mặt tại văn phòng. Cô nghĩ việc thay đổi văn hóa của một công ty dễ dàng hơn là thay đổi toàn bộ xã hội.

Brad Aeon, giáo sư khoa học quản lý thuộc Đại học Quebec ở Montreal (Canada) gợi ý công ty có thể giao cho nhân viên sắp nghỉ phép các nhiệm vụ ngắn hạn dễ hoàn thành trước kỳ nghỉ, đồng thời giảm bớt khối lượng công việc khác.

Đối với quốc gia luôn tập trung vào năng suất, giảm bớt khối lượng công việc nghe có vẻ khá tệ. Tuy nhiên, kỳ nghỉ không đi kèm với một tuần làm việc chăm chỉ gấp đôi trước đó.

Về phía các nhân viên, mỗi nhân sự nên sắp xếp công việc hợp lý, rõ ràng trước khi lên đường du lịch.

Đầu tiên, hãy chuẩn bị cho kỳ nghỉ trước ít nhất 3 tuần, báo cáo với sếp từ sớm để có sự chuẩn bị, thay thế nhân sự.

Giới văn phòng khủng hoảng tinh thần vì áp lực công việc trước mỗi kỳ nghỉ - Ảnh 3.

Hãy chuẩn bị công việc cho kỳ nghỉ ngay từ sớm để không tự gây áp lực cho chính mình

Thứ hai, nới deadline tránh xa ngày nghỉ. Trước khi nghỉ, bạn nên dành thời gian xem qua các đầu việc đang đảm nhiệm. Nếu việc nào có thời hạn trước ngày nghỉ phép dự định, hãy ưu tiên hoàn thành.

Thứ ba, bàn giao, trao đổi công việc với đồng nghiệp và khách hàng. Một trong những điều thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi làm là biết sắp xếp để sự vắng mặt của mình không ảnh hưởng đến công việc chung.

Và cuối cùng, hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp khi cần thiết. Nên hiểu rằng dù muốn dù không, bạn vẫn luôn có một công việc ở nhà với nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời. Vì vậy, bạn nên cho đồng nghiệp biết cách thức liên lạc phòng khi có chuyện khẩn cấp.

Nếu sắp xếp hợp lý, có sự trao đổi với người liên quan và ưu tiên cho chất lượng chuyến đi, bạn hoàn toàn có thể có những phút nghỉ ngơi của riêng mình.

Nguồn: The Atlantic, CNBC, CBS News


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết