A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng sau gần 25 năm hình thành, đến nay hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Để thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới trên tuyến EWEC đòi hỏi cần có chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ logistics phù hợp.

Tiềm năng chưa được phát huy

EWEC là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998. EWEC hình thành dựa trên tuyến đường bộ dài 1.450km đi qua 4 quốc gia: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Sự ra đời của EWEC hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài, cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất, chế biến; tạo điều kiện thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các địa phương, khu vực và thế giới...

Tuy nhiên, sau gần 25 năm hình thành, đến nay EWEC vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, một trong những cản trở đối với sự phát triển của hành lang kinh tế Đông Tây là xuất phát điểm kinh tế của các địa phương trên hành lang còn thấp, đều là các khu vực chậm phát triển hơn các cực tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên; hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập đã hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới trên hành lang.

 Hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. 

EWEC là khu vực có tài nguyên dồi dào, nhân công rẻ, điều kiện địa lý thuận lợi, giao thông thuận tiện, cảng biển nước sâu hiện đại với công suất lớn... Tuy nhiên, thực tế lượng hàng hóa thông qua EWEC còn khiêm tốn. Thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển logistics vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Đường đến cửa khẩu của Việt Nam và phía Lào đều nhỏ hẹp. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Đà Nẵng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm, chỉ mới cung cấp các dịch vụ cơ bản hoặc từng dịch vụ đơn lẻ. Bên cạnh đó, chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao do trình độ quản lý, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chi phí dọc đường nhiều và hệ thống đường bộ với nhiều trạm thu phí cầu đường (chiếm bình quân 10-15% chi phí vận tải) dẫn đến chi phí vận chuyển cao...

Theo ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển. Do đó, việc đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để EWEC thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Đại diện Vụ Vận tải đề nghị các địa phương trên tuyến EWEC cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia chuỗi dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Bên cạnh đó, phải hình thành cơ chế phối hợp liên vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, xác định TP Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics chất lượng cao.

Hiện nay, các tỉnh miền Trung đang vươn lên bứt phá mạnh mẽ, điển hình như Quảng Nam, Bình Định hay các tỉnh Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã có những quyết tâm rõ nét trong phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại. Vì vậy, Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung, trong đó, phát triển dịch vụ logistics nhằm phát huy lợi thế của địa phương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của mình trên tuyến EWEC. Để thực hiện được điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, TP Đà Nẵng cần khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt “Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: Quy hoạch, tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu...

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, chúng tôi cho rằng các địa phương cần phát triển được một số doanh nghiệp logistics chủ lực tại khu vực, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển nhằm bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại. Bộ Công Thương và các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương nằm trên tuyến EWEC xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng; nâng cao năng lực cán bộ về quản lý dịch vụ logistics; xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai một số hoạt động phát triển dịch vụ logistics...

Bài và ảnh: THÀNH NAM

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết