A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kết nối văn hóa đọc: Làm rõ giá trị triết học của tư tưởng Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Ngô Tự Lập được biết đến với nhiều vai trò, như nhà văn, dịch giả, nhà sư phạm, nhạc sĩ, nhưng hơn hết là một nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết với hàng chục công trình.

Trong đa dạng những tác phẩm của ông, một cuốn sách nổi bật là "Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh", công trình mà Ngô Tự Lập thực hiện trong 18 năm, từ lúc công bố bài báo đầu tiên năm 2004 đến khi hoàn thành và được Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2022.

Với cách tiếp cận mới mẻ, khách quan, sự dày công nghiên cứu dựa trên nhiều nguồn tài liệu quý hiếm cả trong và ngoài nước, đặc biệt là hồ sơ của mật thám Pháp đầu thế kỷ 20, đây có thể coi là công trình đầu tiên không chỉ viết về, mà còn định danh, khảo sát nguồn gốc, phân tích nội hàm và biểu hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh ở bình diện triết học. 

Bìa cuốn sách. 

Là người làm khoa học với tư duy độc lập, trong công trình này, Ngô Tự Lập xác định Hồ Chí Minh là đối tượng nghiên cứu, từ đó chỉ ra giá trị triết học của tư tưởng Hồ Chí Minh mà ông coi là một đóng góp quan trọng của Việt Nam cho nền tư tưởng thế giới. Ngô Tự Lập cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển truyền thống tư tưởng Việt Nam mà ông gọi là “Thực tiễn luận cộng đồng”-xuất phát điểm, đồng thời cũng là bộ lọc giúp Hồ Chí Minh học hỏi, chắt lọc được những tinh hoa tư tưởng Đông Tây.

Tác giả định danh tư tưởng Hồ Chí Minh là “Thực tiễn luận nhân đạo”-là một hệ thống thống nhất, bao gồm phương pháp luận thực tiễn và hệ giá trị nhân đạo. Phương pháp luận thực tiễn nối tiếp truyền thống thực tiễn luận của người Việt, được bổ sung bởi phương pháp luận phương Tây, đặc biệt là phương pháp luận mác-xít. Hệ giá trị nhân đạo kết hợp nhuần nhuyễn hệ giá trị cộng đồng trong văn hóa người Việt với các giá trị văn hóa chung của truyền thống Á Đông với chủ nghĩa nhân văn trong truyền thống phương Tây. Hệ giá trị cộng đồng trở thành nhân đạo nhờ mở rộng nội hàm của khái niệm cộng đồng: Từ quy mô gia đình, dòng họ, làng, nước thành quy mô nhân loại và cả thế giới tự nhiên.

Trong quá trình nghiên cứu, Ngô Tự Lập đã vận dụng nhiều kiến thức về triết học, văn hóa, ngôn ngữ, chính trị, quân sự, nghệ thuật... Nhờ khả năng khái quát hóa, sự cẩn trọng nghiên cứu, một nền tảng kiến thức văn hóa Đông Tây sâu rộng, Ngô Tự Lập đã cống hiến cho bạn đọc một công trình vừa khúc chiết, vừa giản dị, hấp dẫn và nhiều giá trị văn chương. Điều này không lạ khi nhìn vào tiểu sử của tác giả-thông thạo nhiều ngoại ngữ, tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải ở Liên Xô trước đây, Trường Đại học Luật Hà Nội, thạc sĩ văn chương tại Pháp, tiến sĩ văn học tại Hoa Kỳ, ông từng là Bộ đội Hải quân, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ và Tổng biên tập Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam).

"Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh" đã chứng minh một cách thuyết phục, rằng bên cạnh vai trò của một nhà cách mạng vĩ đại trong phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ 20, Hồ Chí Minh còn là một nhà tư tưởng với những ý tưởng triết học vượt thời đại, đóng góp vào dòng chảy tư tưởng thế giới: Hồ Chí Minh là một trong những người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu thuộc địa và nghiên cứu hậu thuộc địa, người tiên phong của Nữ quyền luận văn hóa, người đi trước phương Tây hàng chục năm về vấn đề môi trường, đồng thời cũng là một tác gia chống phân biệt chủng tộc từ rất sớm, ngay từ thập niên 1920. Hiểu được tầm vóc Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam chúng ta sẽ càng thêm tự tin, tự hào về dân tộc Việt Nam. 


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết