A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hệ thống y tế tư nhân từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống y tế quốc gia

VNHN - Năm 2021, đại dịch Covid 19 đã tác động lên mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống y tế Việt Nam chịu tác động nặng nề nhất, các bệnh viện đều quá tải, song cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo, trong đó hệ thống y tế tư nhân đã chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động khám chữa bệnh, ngày càng thể hiện vị thế, vai trò không thể tách rời của cộng đồng y tế tư nhân trong hệ thống y tế Việt Nam.

Hệ thống y tế tư nhân từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống y tế quốc gia

GS.TS - Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Nhân dịp kỉ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2022, phóng viên VNHN có cuộc phỏng vấn GS.TS - Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về tình hình hoạt động của hệ thống y tế tư nhân trên cả nước trong năm qua, những khó khăn thách thức, những hạn chế của bệnh viện công lập, những giải pháp đột phá và những vấn đề liên quan đến Luật Dược.

- PV. Điểm nhấn quan trọng hoạt động của hệ thống y tế tư nhân trong năm 2021 là gì, thưa ông?

- GS.TS – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Trong năm 2021, dịch bệnh Covid 19 bùng phát mạnh, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và thứ 4. Một số đơn vị phải thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly của chính quyền địa phương, khiến cho hoạt động khám, chữa bệnh bị đình trệ, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, quản trị của bệnh viện. Đặc biệt tại khu vực phía Nam, hầu hết các cơ sở y tế tư nhân đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua khảo sát, số lượt khám, chữa bệnh trong 10 tháng đầu năm 2021 của các đơn vị hội viên đã giảm rõ rệt, nhiều đơn vị có thời điểm chỉ còn 10% bệnh nhân, các phòng khám đều phải đóng cửa hoạt động.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Hiệp hội đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp đến các bệnh viện và các phòng khám. Hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là khu vực phía Nam đã vào cuộc một cách quyết liệt, dùng cả cơ sở vật chất, có những bệnh viện đã hi sinh chuyển giao và phối hợp với công lập để tập trung tiếp thu bệnh nhân Covid 19. Tập trung nguồn nhân lực đi khám bệnh, đi sàng lọc cùng hệ thống công lập; máy móc thiết bị cũng được huy động một cách tổng thể để tham gia với chiến dịch. Hàng loạt doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân miền Bắc đã thay nhau cắt cử người vào để hỗ trợ cho miền Nam. Chưa bao giờ thấy phong trào hưởng ứng chủ trương của Chính phủ mạnh mẽ như vậy. Sau chiến dịch, nhiều đơn vị, cá nhân được UBND TP. Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương.

Nhằm động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, trong 10 tháng đầu năm, Hiệp hội đã tặng Kỷ niệm chương cho 800 cá nhân; tặng Bằng khen cho 87 tập thể và 209 Bằng khen cho cá nhân. Đồng thời Hiệp hội cũng đã vận động kết nạp thêm 10 hội viên mới.

- PV. Trong năm 2021, ngoài khó khăn về số lượng bệnh nhân giảm còn có sự phân biệt trong công tác phòng chống dịch. Trước những khó khăn như vậy thì Hiệp hội đã giải quyết như thế nào, thưa ông?

- GS.TS – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Năm 2021 là năm cực kì khó khăn của hệ thống y tế tư nhân. Không chỉ khó khăn về số lượng bệnh nhân giảm mà có hàng loạt những khó khăn về chính sách, về sự phân biệt trong hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân.

Khi dịch lan ra diện rộng trên toàn quốc thì Chính phủ, Bộ Y tế đã kêu gọi hệ thống y tế tư nhân phối hợp với hệ thống y tế công lập để cùng nhau chia sẻ gánh nặng phòng chống dịch. Trong quá trình huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đã xảy ra một số vướng mắc, đó là trong một thời gian dài thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước thì một số cấp ủy đảng ở địa phương chưa thấu hiểu, có sự phân biệt đối xử không công bằng, có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, có những tỉnh còn phát ngôn “y tế tư nhân là của doanh nghiệp”. Trước tình hình như vậy, Hiệp hội đã làm Văn bản kiến nghị với Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho hệ thống y tế tuyến đầu nhưng hệ thống bệnh viện tư nhân chưa được tiêm kịp thời, và khi Hiệp hội làm văn bản gửi Chính phủ, Bộ Y tế thì mới được tiêm.

Việc tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu là chậm, nhưng với tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc” thì y tế tư nhân đã vào cuộc một cách mãnh liệt, không quản khó khăn, không sợ hi sinh, nhiều y bác sĩ của bệnh viện tư nhân đã lên đường. Chúng tôi tin tưởng đường lối chính sách của Đảng, chúng tôi cũng tin tưởng các địa phương sẽ có sự công bằng “công lập có thì tư nhân có”. Có một số địa phương “công lập có cái gì thì tư nhân có cái đấy” nhưng một số địa phương đã bỏ rơi hệ thống y tế tư nhân. Đây là mặt yếu và khiếm khuyết của một bộ phận cán bộ quản lí nhà nước trong hệ thống y tế tham mưu cho cấp ủy đảng và thậm chí là chỉ đạo trực tiếp đã chưa đúng, chưa đủ; có nơi có chỗ còn gây khó khăn cho hệ thống y tế tư nhân.

- PV. Những năm qua, công tác xã hội hóa y tế đã thu được nhiều kết quả, hệ thống y tế tư nhân là minh chứng rõ nét tạo nên bức tranh phản chiếu về những hạn chế của hệ thống y tế công lập, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- GS.TS – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Đại dịch Covid 19 đã để lại góc nhìn mới rõ nét hơn về tính ưu việt của hệ thống y tế tư nhân Việt Nam. Năm 2021 đã cho chúng ta bài học nhãn tiền đó là chúng ta thiếu giường bệnh, thiếu nguồn nhân lực, thiếu bệnh viện. 3 nguyên nhân này dẫn đến từ cơ chế chính sách chưa phù hợp. Chính phủ cũng cần nhìn thẳng vào vấn đề này để thấy được sự quản lí lỏng lẻo trong đầu tư công và cần khắc phục bằng cơ chế chính sách, thì hệ thống y tế tư nhân sẽ bỏ tiền ra đỡ gánh nặng cho kinh tế nhà nước, để ngân sách nhà nước làm việc khác.

- PV. Trong những năm qua, hệ thống dược Việt Nam hoạt động còn nhiều bất cập, trong đó luật dược còn nhiều khe hở, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- GS.TS – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Nói về vấn đề dược thì đúng là còn nhiều bất cập. Nếu cách đây 15 năm mà Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan chịu lắng nghe ý kiến của dân, trong đó có ý kiến của Hiệp hội thì bây giờ đã không để lại hậu quả, không để lại tình trạng mua bán giá cả tăng gấp đôi như vậy. Bởi vì tất cả đều mâu thuẫn từ người xây dựng luật, có khe hở, có lợi ích nhóm, vì vậy bây giờ có giáo sư, tiến sĩ vướng vào vòng lao lí. Đây là sự mất mát đau lòng trong ngành y tế, do cơ chế quản lí, do luật dược, do nghị định, do thông tư không chuẩn cho nên dẫn đến việc tham nhũng, đến bây giờ đụng đâu là mắc khuyết điểm ở đấy.

- PV. Là cơ quan có uy tín về phản biện chính sách, trong năm 2022 Hiệp hội có giải pháp đột phá nào, thưa ông?

- GS.TS – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ: Năm 2021 chúng tôi đã tham gia bàn luận về Luật khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế nhưng chưa có sự thống nhất đồng bộ. Hai Luật này có tác động đến chính sách và thành công hay thất bại là do chính sách này. Năm 2022, chúng tôi sẽ coi đây là nhiệm vụ hàng đầu và là nhiệm vụ quan trọng để tham gia với Quốc hội, với Chính phủ xây dựng Luật để Luật đi vào cuộc sống. Hiệp hội cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo của các Bộ hãy nhìn vào sự phát triển của xã hội, chứ đừng nhìn vào quyền lợi, lợi ích cá nhân của Bộ ngành này hoặc Bộ ngành kia. Nếu xây dựng luật một cách thiếu thực tế thì sẽ tạo hành lang để cho một số bộ ngành, những đơn vị liên quan sẽ nảy sinh ra mâu thuẫn tiêu cực. Chúng ta muốn công tác quản lí nhà nước, quản lí trật tự xã hội và muốn phát huy được tài năng của doanh nghiệp thì cần phải có thiết chế xây dựng pháp luật nghiêm túc.

Về phía Hiệp hội, chúng tôi sẽ căn cứ từ những khó khăn thực tế ở cơ sở để đề ra những chính sách phù hợp và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ y tế để làm thế nào định hướng và thu hút được nhân tài, thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực y tế tư nhân; khi y tế tư nhân mạnh lên thì đỡ rất nhiều cho y tế nhà nước, đặc biệt là ở tuyến vùng sâu vùng xa. Mong muốn của Hiệp hội là chính sách nhất quán, thông tư nhất quán, luật nhất quán, nghị định nhất quán, không bẻ ghi làm cho méo mó tình hình thực tế, làm nản lòng các nhà đầu tư./.

- PV. Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tác giả: Ngọc Thể - Đỗ Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết