A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hành trình thiện nguyện từ châu Phi về Việt Nam của chàng trai Việt ở Angola

​“Chúng tôi trao những gì được cần, chứ không trao những mình có”, anh Phạm Quang Linh, người Việt Nam sinh sống, làm việc ở Angola chia sẻ như vậy về hành trình thiện nguyện của Cộng đồng Team châu Phi mà anh cùng các cộng sự đang thực hiện trên quê hương Việt Nam.

 Phạm Quang Linh (thứ 2 từ trái qua) và chị Đỗ Thị Nga (mặc áo xanh) cùng những người bạn chụp ảnh bên Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ảnh: Mai Anh

Nối tiếp những chặng đường thiện nguyện ban đầu ở đất nước châu Phi xa xôi, chàng trai xứ Nghệ 26 tuổi cùng những người bạn trong Cộng đồng Team châu Phi đã trở về Việt Nam tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ người dân. Nơi nhóm tới là những bản làng ở các vùng núi xa xôi, những vùng quê nghèo khó của Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ nhỏ bé nhưng thiết thực như làm nhà, xây trường học, vận động trẻ tới trường hay lắp đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời…

 Phạm Quang Linh và các thành viên trong nhóm Cộng đồng Team châu Phi mong muốn chia sẻ khó khăn, vất vả với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Mai Anh

Linh mong muốn góp thêm nhiều “câu chuyện” tốt đẹp như vậy trong cuộc sống bằng những việc làm giản dị, ý nghĩa. Với sự trợ giúp của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), nhóm của Linh bắt tay triển khai chuỗi hoạt động mới ngay khi vừa về Việt Nam. Như một cái duyên với các em nhỏ, Cộng đồng Team châu Phi đã nhận hỗ trợ các con của ngư dân nghèo ở 4 tỉnh Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) vừa được bộ đội hải quân nhận đỡ đầu, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng trong vòng 5 năm liền.

 
 Trân quý gửi tới các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân những món quà ý nghĩa. Ảnh: Mai Anh

Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi hành trình “Vì người Chiến sĩ nơi đảo xa” cùng nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quê hương mà Cộng đồng Team châu Phi ấp ủ với nhiều kế hoạch và dự định. Tiếp ngay sau hoạt động hỗ trợ trẻ em con ngư dân, đoàn công tác của Cộng đồng Team châu Phi cùng với Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung đã đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân và một số đơn vị trực thuộc. 

Tại đây, Linh và cả đoàn được tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập và huấn luyện của các các bộ, chiến sĩ hải quân. Được nghe kể những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của quân, dân trên các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc còn không ít khó khăn, vất vả, Linh và cả nhóm lại nhen lên ý tưởng cho các hoạt động mới. Điểm đến mong muốn của Linh và các thành viên trong nhóm là hòn đảo Lý Sơn tiền tiêu ở tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Cộng đồng Team châu Phi và Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung đang tích cực chuẩn bị cho chuyến đi với sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh Vùng 3 và cùng các cơ quan, đoàn thể chức năng trên huyện đảo Lý Sơn. 

Cộng đồng Team châu Phi thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân địa phương, góp phần giới thiệu hình ảnh thân thiện đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi. Ảnh: Tư liệu 

Những món quà nhỏ đã được lên danh sách, ngoài nhu yếu phẩm còn có các thiết bị cần thiết cho cuộc sống hay hỗ trợ sinh kế như bộ đồ sửa xe, máy ép nước mía, may pha cafe rang xay, tủ thuốc, bóng điện chiếu sáng, dây điện… Đoàn cũng đang tìm hiểu thêm thông tin về các nhu cầu trên đảo để mang tới những gì người dân cần nhất, giúp họ có sinh kế và cuộc sống đỡ khó khăn. Trên đảo Lý Sơn có tuyến đường không có điện thắp sáng gây nguy hiểm cho bà con và các em học sinh tham gia giao thông vào buổi tối, Cộng đồng Team châu Phi hy vọng những chiếc bóng đèn và hệ thống dây điện sẽ là sự hỗ trợ thiết thực.

 
Những bữa ăn miễn phí được nhóm của Phạm Quang Linh ở Angola triển khai tặng trẻ em và người dân nghèo. Ảnh: Tư liệu 

Theo chị Đỗ Thị Nga, Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia xuyên suốt hành trình hướng về biển, đảo tới đây của Cộng đồng Team châu Phi sẽ là hoạt động tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân có hoàn cảnh có khăn, tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho bà con ngư dân, hỗ trợ người dân đi biển không còn khả năng lao động, bảo vệ môi trường, nhặt rác, trồng cây xanh trên đảo, xây trường học, truyền cảm hứng cho học sinh… 

Cộng đồng Team châu Phi mong muốn sẽ tới được nhiều hơn những nơi cán bộ, chiến sĩ đang vững vàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hỗ trợ được nhiều hơn bà con ngư dân đang ngày, đêm vươn khơi bám biển, qua đó lan tỏa tình yêu Tổ quốc, biển, đảo quê hương tới đông đảo mọi người, nhất các các bạn trẻ. 

“Chúng tôi mong muốn có dịp được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đang ngày đêm chắc tay súng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ từng tấc đất, bờ cõi, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chung tay chia sẻ những khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm của chúng tôi cũng như mỗi người dân Việt Nam”, chị Đỗ Thị Nga chia sẻ. 

Chị Nga cho biết thêm, Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung đã đồng hành cùng Cộng đồng Team châu Phi được 2 năm trên các chặng đường thiện nguyện tại Việt Nam. Làm việc với Cộng đồng Team châu Phi trong suốt hai năm qua, chị Nga và Linh đã chia sẻ nhiều điểm chung giữa những bạn trẻ mang bầu nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, sống biết ơn, giàu lòng nhân ái, có trách nhiệm vì cộng đồng, vì đất nước. “Chúng tôi muốn chuyển tải một bức thông điệp nhỏ rằng, tình yêu đất nước lớn lao, thiêng liêng-hãy chuyển hoá tình cảm đó vào những việc làm nhỏ mỗi ngày”, người thủ lĩnh đi đầu trong các phong trào thanh niên ở miền Trung chia sẻ. 

Về phần mình, Linh bộc bạch giản dị: “Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng muốn làm điều tốt đẹp, phải xuất phát từ cái tâm trước, chứ không phải chỉ qua việc làm. Tôi vui vì mình đã góp được một “câu chuyện” nhỏ về tình yêu thương trong cuộc sống. Cứ cho đi thì sẽ được nhận lại. Tôi đã nhận được nhiều, đó là sự yêu thương, ghi nhận và ủng hộ của mọi người”.

Là một YouTuber, Phạm Quang Linh vẫn được biết tới với cái tên Quang Linh Vlogs nhờ những clip sống động, ý nghĩa về cuộc sống ở châu Phi thu hút cộng đồng mạng. Chàng trai Việt Nam ở Angola mấy năm gần đây nổi tiếng với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những người dân nghèo Angola, góp phần mang tới hình ảnh đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi. Anh giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất như tặng đồ ăn cho tới những món quà ý nghĩa hơn như khoan giếng nước sạch, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, xây trường học, vận động người dân cho trẻ em đi học, hướng dẫn cách làm nông nghiệp kiểu Việt Nam… 

Linh bắt đầu giúp người dân ở Angola từ khi anh còn khó khăn, chưa có gì trong tay. Không có tiền giúp họ đồ ăn, Linh còn tính bán đi chiếc xe ô tô cũ kỹ của mình để có tiền giúp người dân nghèo. Ban đầu Linh sang Angola làm thợ xây theo diện xuất khẩu lao động vào cuối năm 2016. Sau đó anh khởi nghiệp bằng một xưởng kinh doanh nước đá nhỏ, đến nay, Linh sở hữu trang trại lớn tại đây để phát triển sản xuất nông nghiệp tạo thu nhập và việc làm cho người dân địa phương. Anh tiếp tục phát triển một số hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và phát triển nông nghiệp bền vững. Anh cho biết, thu nhập từ kênh YouTube và các hoạt động kinh doanh được sự ủng hộ của cộng đồng sẽ được sử dụng để phục vụ lại cộng đồng ở cả Angola và quê hương Việt Nam. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết