A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Nội: Vẫn còn đó những “Kẻ” nổi tiếng

Mảnh đất kinh kỳ từ xưa là nơi có nhiều “Kẻ” nhất. Tới nay, dù mai một nhiều, nhưng Hà Nội vẫn còn tồn tại những “Kẻ” cổ kính, lưu giữ hồn cốt Thăng Long.

Hà Nội không phải là nơi duy nhất có “Kẻ”, song lại là nơi “Kẻ” vẫn còn tồn tại với những nét văn hóa được lưu truyền, trong khi các địa phương khác đã không còn nhắc tới “Kẻ” nữa. Trên thực tế, khái niệm “Kẻ” đã mai một dần theo thời gian và nhiều người không biết, không hiểu “Kẻ” là gì.

Hà Nội vẫn còn tồn tại “Kẻ” với những nét văn hóa được lưu truyền. 

Khái niệm và nguồn gốc “Kẻ”

Từ “Kẻ” được sử dụng để chỉ một khu vực, một đơn vị hành chính như làng, xã và mỗi vùng được gọi là “Kẻ” này đều có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng chung, đồng thời các “Kẻ” thường sản xuất tập trung một mặt hàng nào đó, có thể là vật phẩm, vật dụng hoặc thực phẩm, ẩm thực. Đa phần những địa danh mang tên “Kẻ” là vùng đất cổ của Việt Nam, các “Kẻ” tập trung nhiều nhất ở phía Bắc Hà Nội, gắn với tên Nôm. Có thể kể đến: Kẻ Chèm, Kẻ Gạ, Kẻ Xù, Kẻ Vẽ … Nếu lấy Kẻ Chèm làm mốc, thì phía tây có Kẻ Đăm, Kẻ Nhổn; phía Nam có Kẻ Noi, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo, Kẻ Bưởi; mở rộng thêm có Kẻ Đáy (Mọc), Kẻ Đơ (Triều Khúc)... Sau này (sau thời Bắc thuộc), tên Nôm gắn liền với tiếng “Kẻ” được thay bằng tên chữ, không còn các Kẻ Chèm, Kẻ Gạ, Kẻ Xù, Kẻ Noi,... Mà thay vào đó là làng Thụy Phương, Phú Gia, Phú Xá, Cổ Nhuế... Do diện tích lớn, Kẻ Bưởi được chia thành làng Trích Sài, Yên Thái, Bái Ân...

Nói như vậy không phải phía Nam Hà Nội không có “Kẻ”, chỉ có điều, số lượng “Kẻ” ở đây khá thưa thớt, tới nay, chỉ có một số ít “Kẻ” được ghi nhận tại khu vực này. Nguyên nhân là do nhiều ngàn năm trước, nước biển lấn sâu nên khu vực phía Nam Hà Nội hầu như không có làng cổ, ghi nhận rõ ràng nhất tại đây là Kẻ Mơ với các làng: Mai Động, Tương Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai.

 "Kẻ" tập trung chủ yếu ở phía Bắc Hà Nội, thưa thớt ở phía Nam. 

 “Kẻ” xưa và những nghề truyền thống

Không phải ngẫu nhiên từ xa xưa đã có câu ca dao lưu truyền: 

“ The La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”

Ấy là bởi, mỗi “Kẻ” xưa đều có một nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo nên trung tâm giao lưu buôn bán sầm uất Kẻ Chợ, tạo nên danh tiếng của mảnh đất kinh kỳ. Nếu như Kẻ Chèm nổi tiếng với nghề làm giò chả với sản phẩm thơm ngậy mùi nước mắm nguyên chất, dẻo và có thể thấy cả hạt lựu trong miếng giò, thì Kẻ Vẽ lại nức tiếng với món nem chạo. Cặp đôi ẩm thực trứ danh “giò Chèm, nem Vẽ” là đặc sản tiến vua khi xưa. Kẻ Vẽ ngoài nghề làm nem chạo còn nổi tiếng xa gần với nghề làm chum vại và những mặt hàng chế biến từ mây, và nghề đan mũ bằng nan giang. Trong khi đó, Kẻ Noi được biết đến với nghề may phát triển từ giữa thế kỉ XIX, Kẻ Bưởi được coi là “quê hương” của giấy sắc và vải lĩnh, Kẻ Giàn là trung tâm sản xuất mứt kẹo phục vụ Tết đến xuân về, Kẻ Đơ thì nổi tiếng với các sản phẩm dệt thao, Kẻ Mơ nức danh với sản phẩm đậu, còn Kẻ Gạ vẫn làm say mê các thực khách bởi món xôi cổ truyền,...

Kẻ Gạ - ngôi làng cổ gìn giữ nhiều nét truyền thống xưa

Kẻ Gạ cùng với Kẻ Xù và Kẻ Bạc hợp thành phường Phú Thượng ngày nay (thuộc quận Tây Hồ). Đây chính là 3 thôn cổ mà ngày xưa đều là những xã riêng biệt. Vốn là vùng đất cổ của Thăng Long, xưa kia nơi đây chủ yếu là đất bãi nhưng lại không cấy lúa được nên người dân chỉ có thể chăn tằm và rất giỏi việc này. Chẳng thế mà, ca dao cổ Hà Nội có câu:

“Gạ Xù thì giỏi chăn tằm

Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền” 

Trước đây, tên gốc của Kẻ Gạ là Phú Gia nhưng tới nay, dân làng vẫn chỉ nhận tên là “Kẻ Gạ”. Còn có một chuyện vui về làng Kẻ Gạ rằng, ngày xưa, so với Nhật Tân thì hoa đào đất Gạ chẳng thua kém hương sắc chút nào, thế nhưng, hoa đào Kẻ Gạ thường bị “bỏ qua”, không được khen mấy bởi quan niệm làng Gạ chỉ giỏi đồ xôi đã nhiều đời nay. Như lời ca dao:

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi…”

Hiện tại, làng có đến 500 gia đình chung thủy với nghề nấu xôi truyền thống. Họ thường không thuê người làm mà chủ yếu mô hình hai vợ chồng cùng làm. Vợ nấu, chồng phụ giúp và chở xôi đi cùng. Tầm 5 giờ sáng, các gánh xôi từ làng lại được chở đi khắp các ngõ ngách trong thành phố.

Bí quyết của xôi nằm ở gạo nếp cái hoa vàng trên cánh đồng Phú Thượng dùng để nấu xôi. Gạo được ngâm từ sáng hôm trước, xóc nhiều lần sau đó vo lại thật sạch và để ráo nước. Tiếp đến, mỗi loại xôi cụ thể lại có cách nấu và chế biến riêng mà bí quyết thường được giữ kín. Những hạt xôi thơm ngon dẻo bùi đất Gạ được đưa đi khắp ngõ ngách Hà Nội, lan tỏa hương vị đặc trưng của món ẩm thực cổ truyền giản dị. 

Năm tháng trôi đi, Kẻ Gạ nói riêng và làng Phú Thượng nói chung cũng có nhiều thay đổi để đáp ứng phù hợp với xã hội hiện đại. Không chỉ riêng Phú Thượng, các Kẻ khác cũng chung tâm trạng đau đáu làm sao để mảnh đất Rồng thiêng ngày một phát triển nhưng lại không làm mất đi giá trị truyền thống từ bao đời!


Tags: Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết