Góp sức xây dựng kinh tế vùng biên
Qua 14 năm thực hiện Dự án 174/Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 327 (giai đoạn 1 từ năm 2010 đến 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 đến 2030), các trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) tại Lâm trường 42, Đoàn KT-QP 327, Quân khu 3 đã chung tay phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua đó góp phần tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Trung tá Nguyễn Thế Tùng, Phó giám đốc Lâm trường 42 cho biết, đơn vị đứng chân và làm nhiệm vụ trên địa bàn hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là địa bàn vùng cao biên giới thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, với tổng diện tích vùng dự án là 10.336,82ha, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc dài 34km; gồm 4 dân tộc sinh sống (Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ). Quá trình triển khai dự án, các đội viên TTTTN được điều về đơn vị công tác đều có kiến thức cơ bản, nhiệt tình, trách nhiệm nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy chế biên giới có phần thuận lợi; góp phần ổn định đời sống văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội trong vùng dự án.
Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 trao đổi về kỹ thuật trồng trọt với gia đình ông Sàn A Ngằn. |
Trò chuyện với chúng tôi, em Lê Thị Thúy Hạnh, sinh năm 1993 (ở thôn Phương Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho hay: “Em tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và công tác ở Hà Nội một thời gian. Sau khi biết đến dự án TTTTN đang được triển khai ở Lâm trường 42, Đoàn KT-QP 327 trên địa bàn TP Móng Cái, em đã quyết định chuyển công tác đến nơi đây với mong muốn được góp sức giúp bà con vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí”.
Là người ở xã Bắc Sơn, em Nình A Thầu (sinh năm 1997, dân tộc Sán Chỉ) chia sẻ: “Em vừa học xong cao đẳng chuyên ngành chăn nuôi-thú y. Biết thông tin Lâm trường 42 thông báo tuyển dụng để thực hiện dự án TTTTN nên em nộp hồ sơ tham gia. Em mong muốn đem kiến thức mình học được ở trường để giúp bà con nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh.
Trước đây, người dân không có ý thức tiêm phòng vaccine cho vật nuôi nên khả năng phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất kém. Tuy nhiên, từ khi có dự án TTTTN, chúng em có điều kiện đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền cho bà con kiến thức về chăn nuôi bảo đảm vệ sinh, tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, việc chăn nuôi của bà con đã hiệu quả hơn trước rất nhiều, không còn tình trạng gia súc, gia cầm bị chết hàng loạt mỗi khi có dịch bệnh”.
Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Bắc Sơn, ông Sàn A Ngằn, con trai liệt sĩ Sàn A Liềm, tâm sự: “Nhà tôi gốc ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2001, được sự vận động của chính quyền, gia đình tôi đến đây, sau đó được địa phương cùng với Lâm trường 42 cấp đất làm nhà, nhận hơn 3ha rừng thông đến kỳ thu hoạch cùng con giống và nông cụ.
Giờ đây gia đình tôi đã ổn định kinh tế, các cháu được đi học đầy đủ. Nhà tôi có khoảng 3ha đang trồng cây keo, sau 5 năm khai thác, mỗi lần bán thu về khoảng 40-50 triệu đồng/ha nếu được giá. Tiền đầu tư ban đầu trồng cây keo là 15 triệu đồng/ha. Mới đây, Lâm trường 42 vừa hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng và cử cán bộ, TTTTN đến giúp xây dựng ngôi nhà mới, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2022 đến 2024, thực hiện Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", Phân đội TTTTN của Lâm trường 42 đã tham gia cùng đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, tổng dọn vệ sinh đường thôn, bản, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn, các trường học trên địa bàn; tham gia san gạt, đắp 1.500m lề đường; nạo vét 2,5km kênh mương; giúp công và hỗ trợ gạch lát nền xây dựng một công trình phụ trợ tại gia đình ông Phùn Văn Thắng, thuộc hộ cận nghèo, thôn Thán Phún, xã Hải Sơn. Bên cạnh đó, TTTTN của Lâm trường 42 cũng chăm sóc mô hình trồng cây ăn quả các loại diện tích 2,5ha và quy hoạch chuồng trại, chăn nuôi phát triển đàn gia súc, gia cầm tại gia đình bà Nguyễn Thị Hương, thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn...
Phân đội TTTTN của Lâm trường 42 phối hợp với địa phương tham gia thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư trên địa bàn hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn như: Hướng dẫn 18/20 hộ chăm sóc đàn bò sinh sản; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình triển khai thực hiện dự án. Qua kiểm tra, các mô hình đều phát triển tốt, đạt hiệu quả và yêu cầu đề ra, được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Trung tá Nguyễn Thế Tùng, kết quả các đội viên TTTTN đạt được trong thời gian qua là động lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KT-QP trong giai đoạn tiếp theo. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình hoạt động giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa; lồng ghép các chương trình dự án KT-QP, các dự án hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư, xây dựng nông thôn mới của địa phương; tích cực giúp dân chuyển giao kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng ngày một hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT