A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Gỡ vướng cho đấu thầu hóa chất, vật tư y tế

Tại các phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua và những cuộc họp, hội thảo về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cán bộ ngành y đã chỉ rõ những vô lý trong đấu thầu, mua sắm vật tư y tế.

Đồng thời, khẩn thiết đề nghị sớm sửa các văn bản pháp quy để gỡ vướng cho ngành y, chấm dứt tình trạng người có bảo hiểm y tế (BHYT) mà không được cấp đủ thuốc, không được làm các xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị. 

Khó khăn, bất cập nhất của ngành y tế hiện nay là các bệnh viện đang sử dụng rất nhiều máy mượn của đơn vị trúng thầu hóa chất xét nghiệm (chiếm tới 80%-90%), nhưng các cơ quan chức năng lúc thì cho thanh toán BHYT khi làm các xét nghiệm trên máy mượn, lúc lại không cho; dẫn đến các bệnh viện không dám sử dụng loại máy này và việc đấu thầu hóa chất xét nghiệm cũng bị đình trệ. 

Quốc hội thảo luận ở hội trường ngày 31-10. Ảnh: quochoi.vn 

Trên thực tế, do Nhà nước không thể bảo đảm đủ các loại máy hiện đại cho bệnh viện công, đồng thời hầu hết máy xét nghiệm là “máy đóng” (chỉ dùng được hóa chất đúng hãng) nên từ nhiều năm qua, đa số bệnh viện vẫn dùng máy mượn. Làm việc với các đoàn đại biểu Quốc hội và Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện lớn (như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Ung bướu TP Hồ Chí Minh...) đều khẳng định: Phần lớn máy móc y tế là tài sản công đã cũ kỹ, xuống cấp, lạc hậu về chức năng, không tương thích với hóa chất... Nếu không được dùng máy mượn thì nhiều bệnh viện có nguy cơ đóng cửa vì không đủ máy để làm các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị.  

Thiết nghĩ, việc cấm bệnh viện mượn máy trước khi đấu thầu hóa chất là cần thiết để chống độc quyền, tiêu cực. Nhưng nếu không cho sử dụng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu hóa chất thì rất vô lý, vì hình thức này được thực hiện qua đấu thầu công khai, hết hợp đồng lại tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn nhà thầu tốt nhất; bệnh viện không bị phụ thuộc gì vào nhà thầu, đồng thời không phải mua sắm, bảo trì máy. Cách làm này đã được nhiều nước áp dụng vì đặc thù hầu hết máy xét nghiệm chỉ sử dụng hóa chất cùng loại; nếu bệnh viện có sẵn máy thì càng bị phụ thuộc vào hãng cung cấp hóa chất.

Hiện Bộ Y tế đã thống nhất cho các bệnh viện công sử dụng máy của những đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn để phù hợp với thực tế. Thế nhưng Nghị định số 151/2017/NĐ-CP “quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” lại không có quy định đơn vị công lập được mượn tài sản (máy phải qua đấu thầu).

Để giải quyết triệt để bất cập này, nhiều chuyên gia về pháp luật và y tế hiến kế: Luật Đầu thầu (sửa đổi) sắp tới, trong chương về đấu thầu thuốc và vật tư y tế, cần có thêm hình thức đấu thầu dịch vụ xét nghiệm trong 5 năm (để bảo đảm đủ thời gian khấu hao máy). Với hình thức này, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp cả hóa chất và máy xét nghiệm cho bệnh viện công, vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền mua sắm máy (nguồn lực này dành để đầu tư cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa), vừa tránh tình trạng độc quyền về hóa chất, vật tư nếu bệnh viện có sẵn máy hoặc được cho, tặng máy.

Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc đã từng bước được khắc phục, nhưng việc thiếu hóa chất, vật tư, thiết bị y tế đang ảnh hưởng lớn tới công tác khám, chữa bệnh, khiến người dân rất lo lắng. Để khắc phục tình trạng này, trong khi chờ sửa các bộ luật liên quan thì Quốc hội và Chính phủ cần sớm có giải pháp bảo đảm cho công tác đấu thầu hóa chất, vật tư, thiết bị y tế không bị đình trệ, giúp các cơ sở y tế tự tin tổ chức đấu thầu và nhà cung cấp yên tâm dự thầu, không lo rủi ro bởi những vướng mắc, thiếu ổn định trong các quy định của pháp luật.

LÂM SƠN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết