A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Dấu ấn những nữ Nghệ sĩ Nhân dân mới được phong tặng của Quân đội

Trong số 12 nghệ sĩ của Quân đội được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), có tới 10 nữ nghệ sĩ tài năng được vinh danh. Mỗi người một vẻ, những nữ NSND mới của nghệ thuật Quân đội như những đóa hoa căng tràn, rực rỡ trong vườn hoa nghệ thuật của nước nhà.

Đại tá, NSND Ma Thị Bích Việt

NSND Ma Thị Bích Việt luôn tự hào khi được gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ, được mang giọng hát của mình đến khắp mọi nẻo đường, trên dặm dài đất nước. Nhiều người đã ví giọng hát của Bích Việt như “con chim sơn ca giữa đại ngàn xanh”. Giọng hát của nghệ sĩ đã xoa dịu biết bao vết thương chiến sĩ, là phép nhiệm màu động viên họ chiến đấu, chiến thắng và trở về. Đất nước thống nhất, giọng hát của chị lại càng “bay” cao vút và đắm say với những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước và tình yêu.

Nghệ sĩ Bích Việt được giới chuyên môn và người yêu nhạc nhắc nhiều đến bởi giọng ca đa dạng, đa phong cách: Lúc ngọt ngào với “Xe tăng qua miền quan họ” (sáng tác An Thuyên), “Hoa sim biên giới” (Minh Quang), “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện” (Hoàng Tạo)…; khi thì cao vút với “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp), rồi lại trào dâng mãnh liệt với “Nổi lửa lên em” (sáng tác Huy Du), “Đất nước bên bờ sóng” (sáng tác Thái Văn Hóa)...

Khi đã ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp ca hát, nghệ sĩ Bích Việt âm thầm trở về “sau cánh gà” để đào tạo thế hệ ca sĩ kế cận, đảm nhiệm Trưởng khoa thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cùng với thế hệ nghệ sĩ tài năng và tâm huyết như: Dương Minh Đức, Hà Thủy, Kim Phúc..., NSND Bích Việt đã góp phần đặt nền móng cho nhà trường, đào tạo nên những giọng hát tài năng cho Quân đội cũng như cho đất nước.

Đại tá, NSND Hà Thủy

NSND Hà Thủy được biết đến là “bà đỡ” mát tay khi đào tạo ra nhiều ngôi sao ca nhạc hiện nay như: Phương Thảo, Hoàng Quỳnh Hương, Phương Anh, Liên Hương, Ngọc Dung, Ngọc Anh, Ngọc Khuê, Khánh Ly, Minh Chuyên, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Hương Tràm… Với NSND Hà Thủy, học trò chính là một “sản phẩm” đáng tự hào nhất và thành công nhất của người thầy, người nghệ sĩ.

Các nữ Nghệ sĩ Nhân dân của Quân đội tự hào khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. 

Hơn 20 năm qua, NSND Hà Thủy còn được biết đến với vai trò chuyên gia thanh nhạc. Hình ảnh một phụ nữ với gương mặt xinh đẹp sắc sảo ngồi sau bàn của Hội đồng nghệ thuật trong từng đêm diễn, luôn chăm chú theo dõi các phần thi của thí sinh đã trở thành hình ảnh quen thuộc của khán giả truyền hình, như: The Voice – Giọng hát Việt, Cặp đôi hoàn hảo, Ngôi nhà Âm nhạc với vai trò chuyên gia âm nhạc hay giáo viên thanh nhạc.

NSND Đặng Thị Theo (Xuân Theo)

Nhắc đến NSND Xuân Theo của Nhà hát Chèo Quân đội, người yêu chèo nhớ ngay đến Nguyên phi Ỷ Lan trong bộ ba vở “Bài ca giữ nước” của tác giả, NSND Tào Mạt và vai Châu Long trong vở “Lưu Bình, Dương Lễ”.

Với giọng hát mượt mà, ngọt ngào, nghệ sĩ Xuân Theo thường nhập vai nữ chính (hay còn gọi là đào thương) rất phù hợp. Nếu như ở vai diễn Châu Long, Xuân Theo diễn mềm mại, câu hát nhẹ nhàng, dịu dàng thể hiện Châu Long là một người phụ nữ hiền thục nết na thì ở vai diễn Nguyên phi Ỷ Lan, nghệ sĩ “xuất thần” diễn với những tình huống khác nhau, xử trí cách hát, câu hát khác nhau…

Nhiều người nhận xét, vai diễn Nguyên phi Ỷ Lan được nhiều đoàn dựng, nhiều nữ nghệ sĩ vào vai, nhưng hình tượng Ỷ Lan thì không ai sánh được với Xuân Theo.

NSND Hà Vy

Là giọng ca vàng một thuở của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, NSND Hà Vy với niềm đam mê ca hát đã đặt chân đến các cung đường biên giới của đất nước, cất lên tiếng hát về biên cương, hải đảo bằng tất cả tấm lòng yêu mến của mình ngay cả ở những nơi nguy hiểm, cam go nhất.

NSND Hà Vy đã có mặt biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên các trận địa từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1978), đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), hát dưới làn đạn, trên các đồn, chốt Biên phòng, thậm chí nơi nguy hiểm nhất của các địa bàn biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai (năm 1979, 1983), Cao Bằng (năm 1985)…

Nhiều ca khúc gắn với tên tuổi của NSND Hà Vy đã chiếm trọn tình cảm của cán bộ, chiến sĩ như: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’, “Ngày mai anh lên đường”, “Hoa sim biên giới”, “Chiều biên giới” (Trần Chung), “Hành khúc ngày và đêm”,... cùng nhiều làn điệu dân ca các dân tộc Việt Nam.

Đại tá, NSND Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh)

Đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội từ năm 2018, nhưng mỗi khi trở lại sân khấu, giọng hát của Hồng Hạnh với chất giọng nữ trung đậm đà màu sắc dân gian, điêu luyện về kỹ thuật và tinh tế trong xử lý tác phẩm, lại làm say đắm lòng người. Hồng Hạnh có duyên với những bài hát ngợi ca người mẹ Việt Nam, mang lại những rung cảm lớn cho trái tim người nghe.

Năm 1995, ca khúc “Cho con xin câu hát” (sáng tác Minh Quang) do Hồng Hạnh trình bày đoạt Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2001, Hồng Hạnh hát “Mẹ tôi 1” của nhạc sĩ An Thuyên, giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi "Mùa xuân và người chiến sĩ" do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Đến năm 2009, tác phẩm “Mẹ tôi 2” của nhạc sĩ An Thuyên do chị thể hiện được trao Huy chương Bạc tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài ra, những bài hát khác như “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Đoàn Bổng, “Mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến, “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Mẹ” của Phan Long... được chị trình diễn rất thành công trên sân khấu.

Đại tá, NSND Dương Thị Kim Ngân

Nhắc đến Đại tá, NSND Dương Thị Kim Ngân, người làm nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ sĩ - chiến sĩ của Quân đội nói riêng nhớ ngay tới một nữ “thủ lĩnh” nghệ thuật, khi chị đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn Văn công Quân khu 1 với bao thành tích và truyền thống vẻ vang suốt hơn 70 năm qua. 

Cùng sự đoàn kết, thống nhất của toàn đoàn, nhất là sự đam mê, cống hiến, niềm tự hào về một vùng văn hóa đặc trưng với những giá trị, tinh hoa của các cộng đồng dân tộc nhiều đời gìn giữ và phát huy, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật, tư duy đổi mới, sáng tạo, nữ “thủ lĩnh” đã dành hết tâm huyết, sự đam mê để “truyền lửa” nghề tới các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn.

Từ đó, những chương trình ca múa nhạc “Khởi nguồn Việt Bắc”, “Âm hưởng gió ngàn”, “Sắc màu Việt Bắc”, “Hùng thiêng Việt Bắc”… đã trở thành “thương hiệu” khi nhắc tới “Văn công Quân khu 1”.

NSND Bùi Thị Thuận (Nhật Thuận)

Tròn 30 năm gắn bó với danh xưng nghệ sĩ – chiến sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 3, “giọng ca vàng của thành phố Cảng” – Nhật Thuận vẫn cháy bỏng niềm đam mê với âm nhạc. Nhật Thuận luôn nhớ những chuyến đi biểu diễn ở biên giới, nơi bản làng xa xôi với sân khấu đơn sơ, những người lính và bà con các dân tộc quây quần nghe chị hát. “Con người nghệ sĩ trong tôi đời thường lắm, có lẽ vì tôi sống lâu trong môi trường Quân đội. Nghệ thuật với tôi không chỉ là xiêm áo lộng lẫy hay sân khấu lớn, mà là cảm xúc của những khán giả lúc mình mang âm nhạc tới với họ”, Nhật Thuận chia sẻ.

NSND Trần Thị Hồng Hải (Hồng Hải)

Sở hữu chất giọng nữ trầm, dày, âm hưởng cao, NSND Hồng Hải được khán giả yêu nhạc biết đến qua những ca khúc trữ tình lãng mạn. Là một nghệ sĩ hoạt động âm nhạc, thực hiện nhiệm vụ tại một đơn vị giàu truyền thống đó chính là Đoàn Văn công Quân khu 2 đã giúp Hồng Hải có nhiều trải nghiệm quý báu.

Là đơn vị nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh Tây Bắc, địa bàn mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc ít người với cuộc sống còn nhiều khó khăn, Hồng Hải đã cùng tập thể đoàn có rất nhiều chuyến đi biểu diễn ở những nơi biên giới xa xôi, hay ở các bản làng vùng cao hẻo lánh để mang lời ca tiếng hát của mình làm vơi đi nỗi vất vả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

NSND Hoàng Thanh Bình

Là giọng hát nổi bật của Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, NSND Hoàng Thanh Bình đã gặt hái nhiều thành tích huy chương trong các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc. Cùng với đoàn, chị tham gia biểu diễn các chương trình, qua đó khắc họa chân dung người chiến sĩ phòng không – không quân thời kỳ chiến tranh cũng như trong thời bình, để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

NSND Lương Thị Thùy Linh

Giọng hát chèo mượt mà, đằm thắm của NSND Lương Thị Thùy Linh - nữ nghệ sĩ được ví là “hoa khôi làng chèo” không còn xa lạ với khán giả mê chèo. Chèo ngấm vào Thùy Linh từ thuở bé và con đường đến với nghệ thuật chèo của chị cũng khá thuận lợi: Từ lúc 16 tuổi cho đến những bước đường lên Hà Nội học hát chèo, rồi đầu quân về Nhà hát Chèo Quân đội, gắn bó với chiếng chèo “nghệ sĩ-chiến sĩ” hơn 20 năm qua. “Đến nay, sau nhiều năm thủy chung, gắn bó với nghệ thuật chèo, tôi vẫn luôn trau dồi, học hỏi và nghiên cứu những làn điệu chèo để làm sao khi hát, hoặc sáng tác, hay hướng dẫn các bạn trẻ đều mong muốn góp sức nhỏ bé của mình bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc”, NSND Lương Thùy Linh bày tỏ.

 Các NSND của Quân đội trong ngày vui nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước phong tặng.

HÀ VƯƠNG (tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết