Cho ý kiến về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá
Sáng 7-10, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá của UBQPAN của Quốc hội cho biết, Thường trực UBQPAN của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết). Bởi việc cấp quyền sử dụng biển số xe thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”. Một số nước cũng đã triển khai đấu giá biển số xe (Thái Lan, Malaysia, Singapore) hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar).
Quang cảnh phiên họp bàn về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. |
Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản. Một số quy định khác với luật hiện hành như: Quy định về đấu giá biển số ô tô khác với quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; quy định đấu giá được thực hiện trong trường hợp có một người duy nhất đăng ký tham gia và trúng đấu giá; quy định về lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản trước khi có tài sản đấu giá, quy định tiền đặt trước bằng giá khởi điểm là khác so với quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016; quy định hạn chế một số quyền tài sản cụ thể của người trúng đấu giá biển số xe khác so với nội hàm của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
UBQPAN của Quốc hội cũng có đưa ra các ý kiến khác nhau về bố cục, tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, loại biển số đưa ra đấu giá; hình thức đấu giá; giá khởi điểm; tiền đặt trước; quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá; người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế…
Về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 3), người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế (Điều 4), nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết về các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, vì cho rằng đây là nội dung thí điểm, biển số xe ô tô trúng đấu giá là tài sản đặc biệt, vừa là tài sản cá nhân vừa là công cụ quản lý nhà nước, nên cần thiết phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá; việc này còn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.
Một số ý kiến cho rằng, quy định người trúng đấu giá biển số xe và người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế chỉ biển số xe riêng lẻ mà phải gắn theo xe là không phù hợp, vì sau khi trúng đấu giá thì biển số là tài sản cá nhân, nên cần phải được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số xe riêng lẻ; đề nghị quy định người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cũng có đầy đủ các quyền như người trúng đấu giá biển số xe.
Tin, ảnh: VŨ DUNG