A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bảo đảm nguồn than cho sản xuất điện, đạm

Dự báo năm nay nhu cầu than cho sản xuất điện, đạm sẽ tăng, nhất là khi có thêm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến đưa vào vận hành; trong khi đó, giá than nhập khẩu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới khả năng huy động các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu.

Trước bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan phải bảo đảm than cho sản xuất điện, đạm trong mọi tình huống.

 Hoạt động khai thác than tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: QUANG CƯỜNG

Năm 2022, thế giới vướng vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, khi dòng dầu và khí của Nga không đến được Liên minh châu Âu do các lệnh trừng phạt. Vì vậy, các quốc gia đua nhau chuyển sang sử dụng than. Ngay lập tức, một nước nhập khẩu than tới 1/4 nhu cầu cho sản xuất điện và đạm như Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá than nhập khẩu tăng cao. Năm 2023, dự báo việc bảo đảm cung cấp than cho sản xuất trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi thị trường năng lượng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón-hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn...

Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Theo đó, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 38,52 triệu tấn, 2 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện, tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.

Nhằm bảo đảm đủ nguồn than cho sản xuất điện và đạm năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Đông Bắc và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong mọi tình huống, các đơn vị nêu trên phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết tại hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký. Doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước.

Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than. Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, TKV; Tổng công ty Đông Bắc thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện. Khẩn trương tổ chức rà soát hệ thống kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết