Bình Phước tạo đột phá từ phương châm “4 tốt”
“4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt) được tỉnh Bình Phước xác định là phương châm xúc tiến đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Phương châm này được cụ thể hóa bằng những giải pháp năng động, sáng tạo, giúp Bình Phước tạo lối đi riêng trong thu hút nhà đầu tư, từng bước trở thành cực tăng trưởng mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Thủ phủ công nghiệp mới
Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư khi đánh giá về sự phát triển, tăng trưởng của tỉnh Bình Phước, đã dành những cụm từ thể hiện những dấu ấn khá đặc biệt: Thủ phủ công nghiệp mới; chính sách “trải thảm đỏ”; dẫn đầu chuyển đổi số; lãnh đạo chính quyền cởi mở, đồng hành với doanh nghiệp...
Bình Phước được biết đến là “thủ phủ” sản xuất, chế biến hạt điều lớn nhất cả nước, những rừng cao su bạt ngàn trải dài theo các tuyến Quốc lộ 13 và 14 kết nối khu vực Tây Nguyên và với nước bạn Campuchia. Tiềm năng to lớn nhưng ngành công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển do thiếu vắng các nhà đầu tư lớn. Sự thay đổi bắt đầu diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tìm đến các khu công nghiệp ở Bình Phước, tập trung nhiều nhất ở thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Bình Phước đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, là đất lành của doanh nghiệp nhờ chính sách thu hút đầu tư đúng hướng, quỹ đất lớn, hạ tầng kết nối hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là năng lực phục vụ hành chính công. Giờ đây, dọc Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 trên địa bàn Bình Phước đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới hiện đại, những khu công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... với sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn.
Khu công nghiệp Nam Đồng Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) được đầu tư hiện đại, gắn với giao thông kết nối thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG TUYÊN |
Hiện nay, Bình Phước có 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 khu công nghiệp với diện tích 6.065ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Các khu công nghiệp quy mô lớn, đầu tư hiện đại, đồng bộ như: Becamex Bình Phước (diện tích 2.450ha), Minh Hưng-Sikiko (diện tích 655ha)... sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đầu tư, đón những tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10.516 doanh nghiệp với tổng vốn 185.154,75 tỷ đồng, 1.220 dự án đầu tư trong nước với số vốn 116.908 tỷ đồng, 364 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,43 tỷ USD...
Xây dựng những địa phương, đơn vị mạnh
Chủ trương lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển, chính quyền địa phương sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo, triển khai đồng bộ. Tỉnh tập trung xây dựng các địa phương làm điểm phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế, tiềm năng và lựa chọn, ưu tiên tối đa cho các doanh nghiệp có năng lực, thương hiệu lớn, công nghệ hiện đại, xử lý tốt vấn đề môi trường... Thị xã Chơn Thành là một trong những điển hình về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả đột phá.
Có vị trí tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, nằm kề hai tuyến Quốc lộ 13 và 14 kết nối liên vùng, Chơn Thành được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp hiện đại hàng đầu của tỉnh Bình Phước. Địa phương này đã triển khai mạnh mẽ đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, mời gọi đầu tư, quy hoạch quỹ đất sạch, có nhiều chính sách cởi mở, ưu đãi...
Đến nay, thị xã Chơn Thành đã hình thành 4 khu công nghiệp lớn và Khu liên hợp công nghiệp, đô thị Becamex Bình Phước quy mô 4.633,3ha...; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 17-20%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Đồng chí Hà Duy Đạt, Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành cho biết: Kết quả phát triển công nghiệp và tăng trưởng mạnh mẽ của Chơn Thành là nhờ cả hệ thống chính trị luôn đồng hành với doanh nghiệp, cải thiện lĩnh vực phục vụ hành chính công, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, giao thông...
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh khoảng 10.000ha; trong đó có khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200ha. Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: Bình Phước xác định thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Phương châm “4 tốt”, không chỉ mang lại những giá trị, lợi ích cho nhà đầu tư mà còn là sự cởi mở, đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp.
Tại buổi tiếp xúc với báo chí mới đây, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Hiện nay, tỉnh đang chú trọng huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ; đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và đẩy mạnh chuyển đổi số...
Đây là những thế mạnh nổi bật của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Phước đã chủ động ký kết phối hợp với các địa phương vùng Đông Nam Bộ đẩy mạnh chuỗi cung ứng sản xuất.
Vừa qua, tỉnh đã hợp tác với TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư ở 206 dự án với tổng nguồn vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng. Nghị quyết 24 là định hướng lớn giúp Bình Phước có giải pháp giải quyết những nút thắt chiến lược để chuyển đổi từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng mới, lấy đột phá mũi nhọn là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Tỉnh đang tập trung xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch cho các lĩnh vực cốt lõi, mang tính nền tảng, phát triển công nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư như: An ninh, hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Hiện các dự án giao thông kết nối vùng đang được triển khai mạnh mẽ, trọng tâm là cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú-Bình Dương... Sự chuyển biến mạnh mẽ và nhanh chóng giúp Bình Phước dần trở thành cực tăng trưởng mới ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.