Trợ lực cho cây ăn quả chủ lực
Việt Nam là đất nước của cây trái, với nhiều trái ngọt có tiếng như xoài cát, vải trứng, nhãn lồng, thanh long ruột đỏ, sầu riêng... được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới ưa chuộng nhờ chất lượng vượt trội, hương vị thơm ngon.
Hằng năm, cây ăn quả chủ lực mang về cho đất nước hàng tỷ USD thông qua xuất khẩu, trở thành mặt hàng nông sản chính trong rổ hàng hóa xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta những năm qua.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tuy nhiên, lượng trái cây xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang thị trường các nước chưa nhiều, ngoại trừ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU). Thị trường Mỹ, Canada, Nga, Trung Đông, Bắc Phi vẫn trong giai đoạn “khai phá”, đây chính là điều khiến chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ.
Nguyên nhân khiến trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giành được nhiều thị phần là do chúng ta chưa chuyển đổi hiệu quả từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm trái cây chủ lực theo nhu cầu thị trường các nước. Thực tế hiện nay, dù đã áp dụng kỹ thuật thâm canh cây ăn quả tại các vùng trồng tập trung theo tiêu chuẩn GAP hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn đang là khâu yếu. Chưa kể không ít người trồng hiện vẫn chưa bỏ được tâm lý lo ngại “được mùa mất giá”, hay “trồng rồi lại chặt”, khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tập trung để tổ chức sản xuất lớn gặp trở ngại.
Vì vậy, để sản phẩm cây ăn quả chủ lực Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu, chinh phục được thị trường các nước, rất cần sự trợ giúp hơn nữa của Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, nhất là về cơ chế, chính sách, vốn, khoa học-công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực nước ta đến năm 2025 và 2030. Làm cơ sở để nước ta phấn đấu đạt khoảng 1 triệu héc-ta diện tích trồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,5 tỷ USD thì ngay từ bây giờ, các địa phương phải bắt tay vào việc quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung gắn với quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, với các cơ sở bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cũng cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất, tổ chức đào tạo các khóa nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đầu tư lưu trữ nguồn gene, chọn, tạo, nhập mới giống cây ăn quả năng suất, chất lượng; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả. Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là sản xuất những sản phẩm theo nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu và tháo gỡ rào cản thương mại mới giúp cây ăn quả chủ lực Việt Nam ngày càng tiến sâu vào thị trường thế giới và các nước trong khu vực.
NGỌC SƠN