Ước tính, hàng năm có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường
Theo thống kê tại Việt Nam, hàng năm, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường, riêng tỉnh Thanh Hóa thải ra khoảng 114.225 tấn.
Sáng nay (4/12/2024) Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện được tổ chức nhằm cập nhật, phổ biến kiến thức cho các đồng chí trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, thu gom và tiêu huỷ các sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa khó phân huỷ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa - cho biết, các sản phẩm từ nhựa ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần; ước tính hàng năm, có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải môi trường.
Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Huy |
Ở Việt Nam, hàng năm, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ở tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu mới nhất, khối lượng rác thải nhựa phát sinh mỗi năm khoảng 114.225 tấn.
Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời, những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy |
Từ năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Tại Việt Nam, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Việc quản lý theo hướng giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết, bắt đầu từ việc giảm thiểu việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
“Chúng tôi mong rằng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu gom, xử lý các sản phẩm nhựa; doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh và người dân cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến nền sản xuất xanh, phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra”, ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa - chia sẻ.