A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên

Sáng 5-1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Tập đoàn De Heus và Tổ chức Phát triển hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) tổ chức Hội thảo đánh giá triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo báo cáo tại hội thảo, kết quả nghiên cứu, khảo sát do Agriterra thực hiện tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai (các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên) của Việt Nam đã xác định được một số thế mạnh của vùng này đối với nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN): Ngô, sắn.

Các tỉnh được khảo sát đều có thế mạnh về diện tích sản xuất lớn, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp cho sản xuất ngô, sắn, đặc biệt là Gia Lai. Ngô, sắn ở khu vực Tây Nguyên có cơ hội để gia tăng giá trị theo chuỗi giá trị, bao gồm việc đưa giống mới năng suất cao, kháng bệnh, áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp, bón phân cân đối, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm...

 Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp ở Nghệ An.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2022, ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng 5,93%, chiếm hơn 20% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. TACN hiện chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất của sản phẩm chăn nuôi, giữ vai trò quan trọng trong hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Do đó, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu TACN sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Để tạo điều kiện cho sản phẩm ngô, sắn phát triển ở khu vực Tây Nguyên, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu, trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ, tạo tác động toàn diện ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngô, sắn; tăng tính cạnh tranh với nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ thành lập và phát triển các hợp tác xã, quy hoạch vùng sản xuất ngô, sắn; chuyển đổi một số diện tích cây trồng hằng năm kém hiệu quả kinh tế sang trồng nguyên liệu TACN,...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết