Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tại điểm cầu Hà Nội và các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội |
Theo thống kê, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng hơn 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Có được kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm; các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản..) đạt con số cao kỷ lục hơn 53,2 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.
Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 13-1 tại điểm cầu Bộ NN-PTNT ở Hà Nội. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả và thành tích mà ngành NN-PTNT đạt được trong năm 2022, đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế của đất nước. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp (3,36%) mặc dù thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác, thế nhưng tăng trưởng của nông nghiệp mang lại giá trị trụ đỡ cho nền kinh tế. Phát triển của ngành nông nghiệp chính là việc đóng góp vào xây dựng nền kinh tế của Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn việc tích cực chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là mục tiêu cao nhất mà Đảng, Nhà nước ta luôn nỗ lực, phấn đấu. Thủ tướng cho rằng, thành công của ngành nông nghiệp năm 2022 chính là nhờ các hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Đảng, Chính phủ, Bộ NN-PTNT... đã quyết liệt trong công tác điều hành, xây dựng thể chế, đặc biệt nắm chắc tình hình diễn biến thế giới để điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình. Đây là điều quan trọng góp phần mang lại hiệu quả của ngành nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, hạn chế của ngành nông nghiệp: Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, chưa gỡ được thẻ vàng về thủy sản của EC, lao động trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn...
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp năm 2023 phải tiếp tục phát triển bứt phá mạnh mẽ và bền vững hơn. Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học- công nghệ và gắn với thực tế nhu cầu của thị trường. Đối với sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”- OCOP muốn có thị trường phải có chất lượng, xây dựng thương hiệu, gắn với vùng nguyên liệu và thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn gắn phát triển ngành nông nghiệp với phát triển du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao những chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp năm 2023 cần phải phấn đấu: Tăng trưởng toàn ngành 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD. Các chỉ tiêu khác: 80% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị, ngành nông nghiệp cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến. Thủ tướng tin tưởng mục tiêu này chúng ta có thể thực hiện được.