A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao chất lượng hàng hóa để khai thác thị trường Trung Quốc

Trong số các thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần nhanh chóng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường rộng lớn này.

Nhận diện đúng thời cơ, thách thức

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng đầu năm, mặc dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành rau, củ, trái cây của Việt Nam vẫn bứt phá; trong đó, Trung Quốc là thị trường có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã chi gần 805 triệu USD để nhập các mặt hàng này của Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc chiếm 59% tổng lượng xuất khẩu rau, quả của Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu rau, quả trong những tháng tới, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, vải thiều rộ mùa vào tháng 6 và 7. Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc.

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 62,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 19,8 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 42,4 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này là do ngoài yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hóa thì kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi nhanh; lĩnh vực bất động sản là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó khăn; tình trạng thất nghiệp đã tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Trung Quốc...

 Sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất-nhập khẩu trái cây Chánh Thu sang thị trường Trung Quốc.  Ảnh: THU VY

 

Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa; đặc biệt gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương. Năm 2022, GDP của Trung Quốc đạt hơn 135.000 tỷ nhân dân tệ; tương đương với 19.605 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới. Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

      Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế này mở cửa sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này. Song Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường này cũng chấp nhận. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế vừa là thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.

Chất lượng và chính ngạch là ưu tiên hàng đầu

Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn khi nhiều nước cũng tập trung khai thác, mở rộng thị phần tại thị trường quan trọng này. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi; trong đó cần quan tâm ưu tiên hàng đầu tới chất lượng và chú trọng chuyển đổi xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng.

Từ thực tế thị trường nước sở tại, ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khuyến cáo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp ngành rau, quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau, quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau, quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.

Lưu ý tới rủi ro ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) đề cập tới thực trạng hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động chuyển đổi sang hình thức chính ngạch, chủ động cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu và dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

KHÁNH AN 

 


Tags: hàng hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết