A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt

Kết thúc phiên ngày 1/4, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,37% xuống 74,49 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 0,39%, chốt ở mức 71,2 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường hàng hóa thế giới trước ngày Mỹ dự kiến công bố thuế suất đối ứng. Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, chỉ số MXV-Index tăng 0,38% lên mức 2.285 điểm. Đáng chú ý, sau chuỗi tăng “nóng” kể từ phiên giao dịch ngày 19/3, giá dầu đang có xu hướng hạ nhiệt. Trong khi đó, những lo ngại về tình hình nguồn cung trong tương lai lại thúc đẩy đà tăng của giá mặt hàng đậu tương.

Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt
Chỉ số MXV-Index

Giá dầu hạ nhiệt

Theo MXV, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 khi những lo ngại về nguồn cung trước đó được xoa dịu nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+, trong khi thị trường lại đối mặt với áp lực mới từ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.

Sau khi lên mức cao nhất trong một tháng, kết thúc phiên ngày 1/4, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,37% xuống 74,49 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 0,39%, chốt ở mức 71,2 USD/thùng.

Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt
Bảng giá năng lượng

Nguồn cung dầu toàn cầu hiện đã bớt căng thẳng nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo kế hoạch được công bố vào đầu tháng 3, sản lượng khai thác sẽ tăng thêm khoảng 138.000 thùng/ngày trong tháng này. Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục nâng sản lượng vào tháng 5, với đề xuất tăng thêm 135.000 thùng/ngày dự kiến được xem xét tại hội nghị Bộ trưởng OPEC+ trong tuần này.

Bên cạnh đó, hai yếu tố khác cũng làm gia tăng viễn cảnh nguồn cung dư thừa.

Thứ nhất, báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng mạnh 6,04 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/3, đảo ngược xu hướng giảm sâu 4,6 triệu thùng ở tuần trước đó.

Thứ hai, sản lượng dầu thô tại Kazakhstan tiếp tục lập kỷ lục mới với mức 2,17 triệu thùng/ngày trong tháng 3, vượt xa hạn mức cho phép của OPEC+ là 1,47 triệu thùng/ngày. Điều này đang khiến Kazakhstan chịu áp lực từ các nước thành viên OPEC+ khác yêu cầu cắt giảm phần sản lượng vượt mức.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với những rủi ro lớn hơn từ nhu cầu. Các chính sách thuế quan mới dự kiến được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4 đang làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thể dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Qua đó, kéo theo nhu cầu dầu lao dốc, vượt qua cả những lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt trước đó.

Ngoài ra, những áp lực tăng giá ngắn hạn vẫn tồn tại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela. Các biện pháp thuế quan thứ cấp đối với các nước nhập khẩu dầu từ Venezuela sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/4, qua đó, gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khu vực.

Giá đậu tương phục hồi mạnh mẽ

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Đóng cửa, giá đậu tương đã tăng mạnh gần 2% lên mức 380 USD/tấn, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt thông tin tích cực từ thị trường.

Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt
Bảng giá nông sản

Một trong những động lực chính thúc đẩy giá là Báo cáo triển vọng gieo trồng trước đó, cho thấy diện tích gieo trồng đậu tương tại Mỹ đang có xu hướng thu hẹp. Dự báo, nguồn cung giảm trong tương lai đã củng cố tâm lý thị trường, tạo lực đẩy cho giá tăng. Cùng với đó, thời tiết ẩm ướt kéo dài tại Mỹ tiếp tục cản trở tiến độ gieo trồng và làm tăng nguy cơ phải trồng lại ở một số khu vực do ngập nước. Những yếu tố này khiến thị trường lo ngại về năng suất cây trồng trong niên vụ tới, đồng thời gia tăng lực mua.

Ngoài ra, giá dầu đậu tương cũng ghi nhận mức tăng vọt hơn 5,5% trong ngày hôm qua nhờ kỳ vọng nâng hạn mức pha trộn nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Các cuộc thảo luận về quy định pha trộn dầu diesel sinh học đã hỗ trợ triển vọng nhu cầu nội địa đối với dầu đậu tương. Biên lợi nhuận ép dầu cũng đạt mức cao nhất trong sáu tuần qua, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm này vẫn rất lớn và là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá đậu tương.

Bên cạnh đó, thông tin từ công ty tư vấn StoneX cho biết sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm xuống còn 167,54 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo trước đó là 168,34 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ điều kiện thời tiết bất lợi tại bang Rio Grande do Sul. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung từ Nam Mỹ có thể không đạt kỳ vọng, góp phần hỗ trợ giá.

Tuy nhiên, thị trường vẫn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn như Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu đậu tương của Mỹ... Đồng thời, nguồn cung toàn cầu vẫn duy trì ở mức dồi dào nhờ tiến độ thu hoạch nhanh tại Brazil và xuất khẩu kỷ lục từ quốc gia này trong tháng 3, điều này có thể hạn chế tiềm năng tăng giá trong dài hạn.

Giá một số loại hàng hóa khác

Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Lo ngại về nguồn cung, giá dầu thế giới hạ nhiệt
Bảng giá kim loại

 

 

Tác giả: Ngọc Ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết