Lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính để phát triển bền vững
Chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý đã nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) và lĩnh vực chứng khoán. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, những động thái này nên nhìn nhận ở góc độ tích cực nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, hỗ trợ TTCK phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước lên những nấc thang mới
Nhằm đảo bảo TTCK phát triển ổn định, minh bạch, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp đồng bộ như tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường và đặc biệt là đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý đúng và trúng đối tượng vi phạm.
Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam tối 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh vấn đề thao túng TTCK, đặc biệt là cổ phiếu như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường. Tất cả những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, đối với những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải ủng hộ hết mức để thị trường phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, cũng giống như nhiều quốc gia khác, trong quá trình hướng đến một TTCK phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch, TTCK Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và các vấn đề phát sinh. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý đã thể hiện một thông điệp rõ ràng với các biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ, quyết liệt để củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Ông Tsuyoshi Imai - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản cho biết: "Những quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế rất nhiều. Đây là hành động cần thiết để thị trường Việt Nam bước lên những nấc thang mới. Tôi phải nói là về dài hạn đây là các hành động rất tích cực".
Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản còn cho rằng, những động thái quyết liệt chấn chỉnh, làm lành mạnh hóa TTCK của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan là cơ sở để MSCI nâng hạng cho TTCK Việt Nam.
Niềm tin được củng cố, càng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Tuy trong thời gian gần đây, Vn-Index tiếp tục có nhiều phiên giảm điểm, trong đó phiên ngày 20/4 đã mất mốc 1.400 điểm song TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tiềm năng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, TTCK Việt Nam sẽ tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. Cơ sở của niềm tin này được đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và mạnh. Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với TTCK. Mỗi khi kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là các ngành dịch công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tạo đà cho kinh tế phục hồi nhanh.
Các nhận định cũng cho thấy, triển vọng phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022 là rất rõ sau giai đoạn chịu áp lực cao do COVID-19. Tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt mức 5,03% cải thiện mạnh so với cùng kỳ. Các cân đối vĩ mô khác cơ bản được giữ vững, lạm phát được kìm chế và cán cân thanh toán thặng dư. Niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại đang tăng lên khi khối này đã đẩy mạnh mua ròng liên tiếp trong các phiên giảm điểm gần đây.
Ngày 15/4 vừa qua, Công ty môi giới chứng khoán ASPS (Asia Plus Securities) của Thái Lan cũng khuyến nghị tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASPS cũng cho rằng việc chỉ số chứng khoán Việt Nam chỉ giảm 2% kể từ đầu năm nay - một mức tương đối khiêm tốn trong bối cảnh chỉ số S&P 500 đã giảm 10% - thể hiện sự ổn định của chỉ số Vn-Index bất chấp những bất ổn của thế giới.
Bên cạnh đó, kết quả mới nhất tại Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng. Trong quý I/2022, BCI đã tăng lên 73, là mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Các doanh nghiệp châu Âu có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới. Hơn 2/3 (69%) số lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong khi chỉ có 5% cho rằng tình hình sẽ xấu đi.
Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố trên đảm bảo một môi trường đầu tư tươi sáng và ổn định với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khả quan.