A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lượng truy cập sàn thương mại điện tử Việt chênh lệch lớn với sàn nước ngoài

Lượng truy cập sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò đạt khoảng 109.000 lượt/tháng, xếp hạng thứ 43, chênh lệch lớn so với sàn TMĐT dẫn đầu tại Việt Nam.

Lượng truy cập sàn thương mại điện tử Việt chênh lệch lớn với sàn nước ngoài ảnh 1

Ngày càng nhiều người dân Việt Nam mua sắm trực tuyến

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, tính đến hết quý I-2022, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên 2 nền tảng mua sắm “Make in Vietnam” là Postmart, Vỏ Sò đạt gần 5,4 triệu hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn TMĐT là 1,2 triệu tài khoản (chiếm 21,5%.

Hai sàn TMĐT cũng đưa hơn 80 nghìn sản phẩm nông nghiệp lên sàn. Tổng số giao dịch trên 2 sàn trong quý I-2022 đạt 109.670 giao dịch, tổng giá trị ước đạt 7 tỷ đồng.

Trong các sàn TMĐT ở Việt Nam, sàn Vỏ Sò hiện có số lượt truy cập website trung bình là 109.000 lượt/tháng, xếp hạng thứ 43. Postmart đạt xấp xỉ 50.000 lượt truy cập website/tháng, xếp hạng 274.

 

“Đây là khoảng cách chênh lệch lớn so với số lượng truy cập của các sàn TMĐT dẫn đầu thị trường. Nguyên nhân một phần vì Vỏ Sò, Postmart tham gia thị trường TMĐT muộn hơn các sàn TMĐT khác (năm 2019) và tập trung chủ yếu vào thị trường TMĐT nông sản”- Bộ TT-TT đánh giá.

Trong khi đó, theo Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương), đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến. Các sàn TMĐT dẫn đầu tại thị trường Việt Nam là: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Thế giới di động… với hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Nhận định về thị trường TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.

Bức tranh mới thay đổi đến từ cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến. Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" chỉ ra, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.

Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Chính vì vậy, cuộc chiến trên sàn TMĐT trong năm 2022 sẽ là “cuộc chiến giành click” của khách hàng.

Theo báo cáo của hằng năm của "SYNC Southeast Asia" (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Cùng với việc thúc đẩy mua sắm trực tuyến, các Bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy việc đưa người bán hàng Việt Nam lên các sàn TMĐT.


Tags: sàn TMĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết