A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Góc nhìn nghị trường: Tránh thất thoát, lãng phí khi xây dựng công trình giao thông

Các công trình hạ tầng giao thông đang được triển khai xây dựng đồng loạt tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều công trình trọng điểm quốc gia, tác động, lan tỏa đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước như: Đường cao tốc, sân bay, luồng cho tàu biển trọng tải lớn...

Bên cạnh tiến độ, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV) là chất lượng công trình, bảo đảm khai thác sử dụng lâu dài, tránh thất thoát, lãng phí,

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) băn khoăn khi ngành giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai khối lượng công việc rất lớn với mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, thời gian gấp rút và cận kề, liệu chất lượng công trình giao thông có bảo đảm. Cần tránh tình trạng đường cao tốc mới đưa vào khai thác đã hư hỏng, phải sửa chữa, gây thất thoát, lãng phí như tuyến Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hà Nội-Lào Cai.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Chia sẻ với lo lắng của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ GTVT luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Tất cả các tuyến cao tốc đang xây dựng phải bảo đảm chất lượng theo chuẩn quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung phối hợp cùng với các nhà thầu, đồng thời, giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thi công ngay từ những ngày đầu tiên để bảo đảm chất lượng công trình. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về chất lượng đối với các tuyến cao tốc đang và sẽ thi công.

Lo lắng, băn khoăn của đại biểu Quốc hội về chất lượng công trình giao thông cũng là vấn đề được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả của công trình, dự án. Để có công trình bảo đảm chất lượng, cần chuyên nghiệp hóa và đồng bộ các khâu từ thiết kế, chuẩn bị dự án đến thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Trong đó, công tác chuẩn bị dự án cần được triển khai chu đáo, tỉ mỉ. Đơn cử như việc khảo sát địa chất, có trường hợp khi thi công thực tế mới phát hiện sai khác so với khảo sát ban đầu, dẫn đến phải thay đổi phương án thi công, làm kéo dài thời gian, phát sinh chi phí. Kinh nghiệm cho thấy, quá trình chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì công tác thi công càng thuận lợi, chất lượng công trình càng được bảo đảm tốt hơn.

Năng lực của nhà thầu đóng vai trò quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình giao thông. Bên cạnh đó, cần nêu cao vai trò của các đơn vị tư vấn, giám sát và sự sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước. Cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị thi công vi phạm về chất lượng, thậm chí xem xét không cho tham gia các dự án khác nếu vi phạm nhiều lần. Chế tài đủ mạnh cùng với các hình thức thưởng, phạt công bằng, nghiêm minh vừa tạo động lực, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án. Qua đó, góp phần giúp mỗi công trình, tuyến đường khi đưa vào sử dụng bảo đảm giao thông êm thuận, nâng cao năng lực vận tải, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết