A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Dòng tiền thông minh vẫn âm thầm đổ về bất động sản vùng ven

Thị trường bất động sản có phần chững lại sau nhiều biến động, song dòng tiền vẫn âm thầm đổ về bất động sản vùng ven do hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh phát triển.

Khái niệm vùng ven đang ngày càng mở rộng

Chia sẻ tại Talkshow “Sức hút bất động sản vùng ven”, bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó Tổng giám đốc MIKHome nhìn nhận, nếu như 10 năm về trước vùng ven được định nghĩa chỉ là những vùng đất xung quanh các đô thị lớn thì hiện nay đã được mở rộng ra cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Theo đó, với khoảng cách di chuyển 2 - 3 tiếng đến trung tâm, khu vực này vẫn được gọi là vùng ven. Chưa kể, khi giá bất động sản ở các khu vực vùng ven cũ được đẩy lên cao, nhà đầu tư lại có xu hướng dịch chuyển sang các vùng lân cận để tìm kiếm các vùng ven mới với cơ hội đầu tư tốt hơn. Vì vậy mà phạm vi vùng ven đang ngày càng mở rộng. 

Cùng nhìn nhận về khái niệm vùng ven, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đường mở đến đâu, nhu cầu đầu tư bất động sản sẽ tăng đến đó nên khi hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, kết nối giữa nội đô các thành phố lớn với các khu vực xung quanh, dòng tiền cũng tất yếu phân bổ ra phạm vi rộng hơn. 

“Hiện nay, quỹ đất khu vực trung tâm các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng hạn hẹp, giá cả đắt đỏ, xu thế giãn dân ngày càng lớn khi các tuyến hạ tầng giao thông hình thành khiến vùng ven đang trở thành 'vùng trũng' thu hút dòng tiền đầu tư.

Đặc biệt, việc Quốc hội đang xem xét đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông, cụ thể 5 dự án về hạ tầng giao thông có quy mô lớn gồm 3 dự án đường cao tốc và 2 dự án đường vành đai tại vùng TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cùng việc triển khai giai đoạn tiếp theo của đường Hồ Chí Minh càng “bật đèn xanh” cho sự lên ngôi của các thị trường vùng ven lân cận những khu vực này”, ông Đính khẳng định.

Việc mở rộng phạm vi bất động sản vùng ven chứng tỏ sức hút của phân khúc này đang rất lớn nhưng không phải tất cả dự án đều “hóa thiên nga” mà vẫn có nhiều dự án vàng thau lẫn lộn, phóng đại, thổi phồng mức giá. Vì vậy, lựa chọn đầu tư vào dự án nào, thuộc khu vực nào là điều nhà đầu tư cần phải quan tâm. 

“Tôi cũng từng đi săn đất vùng ven. Có người đi cả năm trời không tìm được sản phẩm để mua. Lý do là mục đích đầu tư chưa rõ ràng, hoặc pháp lý chưa rõ ràng, giá quá cao, hoặc hạ tầng quá kém”, bà Huệ nói.

Còn theo ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát, nên chọn dự án có cả sức mua của người dân bản địa và khách ở xa, đặc biệt là nên chọn dự án có nhà đầu tư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là yếu tố người bán, tức là chủ đầu tư uy tín, năng lực và đội ngũ bán hàng đông đảo, hiệu quả.

“Đầu tư dự án vùng ven sẽ chậm hơn vùng lõi nên nhà đầu tư cần có chiến lược hợp lý. Nhà đầu tư F0 nên hạn chế vào đầu cơ, lướt sóng bởi bản chất đầu tư bất động sản là đầu tư trung và dài hạn. Phương án thích hợp nhất vẫn là đầu cơ trên nền đầu tư với những danh mục tốt trong 2 - 3 năm”, ông Duy phân tích.

Bất động sản vùng ven luôn hấp dẫn nhu cầu đầu tư

Đưa ra nhận định về diễn biến thị trường những tháng đầu năm, ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho hay, việc kiểm soát dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản, siết quy hoạch, áp giá thuế chuyển nhượng bất động sản sát với giá thị trường là những động thái có tác động đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều này chỉ đang ảnh hưởng cục bộ đến những nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn, dùng đòn bẩy tài chính. Còn với nhà đầu tư thực thụ, có dòng tiền nhàn rỗi, dài hạn thì sẽ không có ảnh hưởng nhiều. Riêng các dự án vùng ven được quy hoạch bài bản, chỉn chu, mật độ xây dựng đang thấp, đáp ứng được nhu cầu mong muốn của nhà đầu tư cũng không chịu nhiều tác động.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hồng Huệ đưa ra dẫn chứng, thực tế trong những tháng đầu năm nhiều dự án ra hàng đã đạt được tốc độ bán tốt. Thậm chí, có những dự án trong 2 - 3 tháng trở lại đây, tốc độ bán gấp 2 - 3 lần những tháng trước đó.

"Một số dự án tôi thấy họ triển khai bán hàng đâu đấy trong vòng khoảng 1 - 2 ngày mở bán đã có đến hàng trăm giao dịch. Điều này để cho thấy, mặc dù thị trường năm nay có nhiều biến động cũng như khó dự đoán nhưng với những sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu để ở và được đầu tư hiện đại thì vẫn được đón nhận", bà Huệ chia sẻ.

Đơn cử như câu chuyện về cơn sốt thanh khoản của “siêu dự án” 460ha Vinhome Ocean Park 2 - The Empire ở Hưng Yên, giáp Hà Nội đã trở thành tiêu điểm nóng trong giới đầu tư suốt nhiều tuần qua. Mặc dù cách xa trung tâm Hà Nội, nhưng việc chủ đầu tư xây dựng và phát triển thành một tổ hợp hệ sinh thái khép kín tạo nên giá trị đặc biệt vẫn tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với người mua để ở và cả để đầu tư.

Tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, xu hướng nhà đầu tư hướng về các dự án “vùng ven” còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Năm ngoái, nghiên cứu của Thắng Lợi Group cho thấy, tỷ lệ khách hàng đến từ TP. Hồ Chí Minh rót vốn vào các dự án vùng ven trong năm 2021 ở mức 78%. 

“Không thể phủ nhận những tác động của các chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản. Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, thị trường đang có sự chững lại. Song riêng thị trường bất động sản vùng ven, do nhu cầu quá lớn, đặc biệt là ở khu vực miền Nam nên các giao dịch vẫn diễn ra, dòng tiền vẫn âm thầm đổ về đây. Đây là dòng tiền nhàn rỗi trong dân và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, sản xuất bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã dịch chuyển vào kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán. Tất nhiên những sản phẩm nhà đầu tư hướng đến hầu hết là những sản phẩm tốt, có thương hiệu”, ông Đính cho biết.

Nhu cầu đầu tư là lớn, song có hay không tình trạng bỏ cọc cũng là một vấn đề được các chuyên gia quan tâm. Là một người trực tiếp phân phối và phát triển dự án ở phía Nam, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EximRS cho biết: "Giao dịch các sản phẩm bất động sản ở thị trường phía Nam giảm sút là có thật. Tuy nhiên, việc bỏ cọc chỉ xảy ra ở những khu vực mang tính sốt cục bộ, giá tăng cao và chưa có hạ tầng, pháp lý rõ ràng. Còn với những khu vực vùng ven vẫn đang hấp thụ tốt, dư địa tăng tốt, không ghi nhận câu chuyện khách bỏ cọc".


Tác giả: Theo Minh Tuệ/reatimes.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết