Dệt may kiên trì vượt khó đón cơ hội thị trường
Bước sang năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc hơn. 5 tháng đầu năm, hàng dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại thị trường Mỹ và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Những tác động về giá và những yêu cầu mới, khắt khe của thị trường đang đặt ra thách thức với ngành dệt may Việt Nam, song các doanh nghiệp trong nước đã chủ động thích ứng để không bị lỡ nhịp trong cuộc chơi toàn cầu.
Khởi sắc nhờ đơn hàng nhưng giá vẫn thấp
Sang năm 2024, dệt may đã có những tín hiệu thuận lợi hơn về tình hình đơn hàng, mặc dù điểm mấu chốt là giá đơn hàng không tăng. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng nổi bật có thể kể đến là Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại thị trường Mỹ; xuất khẩu dệt may đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5-2024 suy giảm mạnh 16%).
Đánh giá về bức tranh của ngành dệt may trong 5 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho rằng, sự khởi sắc trong xuất khẩu dệt may của nước ta không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà do có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá.
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: NAM CAO |
Thông tin từ Vinatex cho biết, với ngành may nói chung và các doanh nghiệp may trong Tập đoàn nói riêng, câu chuyện đủ đơn hàng không quá khó. Các doanh nghiệp đủ đơn hàng từ những tháng đầu năm. Tới nay, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết quý III-2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV-2024-mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết, tuy nhiên, đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với năm 2019-thời điểm trước dịch Covid-19. Với ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may
Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của hai năm qua chưa cải thiện.
Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng... được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tạo điểm nhấn và gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, trong tháng 7 tới, Vinatex sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm phát triển sản phẩm mới tại phố Minh Khai (Hà Nội). Đây là một trong những trung tâm được đầu tư rất hiện đại và bài bản, chuyên làm hàng FOB (sản phẩm hoàn chỉnh) mang thương hiệu Vinatex. “Mặc dù chúng ta đã có đủ cả sợi, dệt, nhuộm và may nhưng khâu phát triển thị trường, thiết kế sản phẩm hoàn toàn mang thương hiệu Việt Nam để chào bán trọn gói cho khách hàng vẫn chưa làm được. Chính vì thế, Vinatex đã có kế hoạch và chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết để đưa trung tâm phát triển sản phẩm vào hoạt động, đây là bước cụ thể hóa mục tiêu Việt Nam có sản phẩm may mặc hoàn toàn mang thương hiệu Việt Nam", ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.
Trên cơ sở tín hiệu đơn hàng của ngành dệt may, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay là khả thi. Song bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh rằng, thực tế, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới ngày càng ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng nhiều biện pháp thực hành xanh. Đây được xem là biện pháp bảo vệ danh tiếng và triết lý kinh doanh của họ, đồng thời đáp ứng những quy định được luật hóa ngày càng khắt khe. Chính vì vậy, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, đây là cuộc chơi chúng ta không có quyền lựa chọn, nhưng hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành đang thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh.
Để thích ứng với những khó khăn, trước mắt, các đơn vị trong ngành dệt may tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ... nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo những thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng chủ động thích ứng với những tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, những chính sách phúc lợi cho người lao động, các đơn vị dệt may tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng; từng bước xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
VŨ DUNG