A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 23/5: Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng mạnh

Chủ đề xuất nhập khẩu được báo chí phản ánh nhiều trong ngày 23/5. Trong đó, đáng chú ý là thông tin nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng gần 7 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, Báo Đầu tư ngày 23/5 có bài: “Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng thêm gần 7 tỷ USD”.

Bài báo cho biết, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước và các đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong tháng 4, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 7,54 tỷ USD.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, trị giá đạt 29,22 tỷ USD, tăng 30,7%, tương ứng tăng 6,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 23/5: Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng mạnh

Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước và các đơn hàng xuất khẩu

Về cơ cấu thị trường, đứng đầu là nhập khẩu từ Hàn Quốc, với 8,54 tỷ USD, tăng mạnh 46,1%; từ Trung Quốc là 8,2 tỷ USD, tăng 29%; từ Đài Loan với 4,1 tỷ USD, tăng 39,1%; từ Nhật Bản với 2,37 tỷ USD, tăng 40,7%… so với cùng kỳ năm 2021.

Tốc độ tăng xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4 tháng dù tăng cao 2 con số, nhưng vẫn tăng thấp hơn tốc độ tăng ở chiều nhập khẩu, với trị giá xuất khẩu đạt 17,71 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tờ VietnamBiz cũng có bài: “Hé lộ ảnh hưởng ban đầu đến xuất nhập khẩu Việt Nam khi Trung Quốc duy trì Zero-Covid”

Theo bài báo, bên cạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng điện tử vẫn duy trì tích cực với mức tăng 27,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 26,9% của quý I/2022, thì nhập khẩu nguyên liệu cho hàng dệt may có dấu hiệu suy giảm từ mức tăng trưởng 17,6% trong quý I/2022, thu hẹp chỉ còn tăng 12,4% trong 4 tháng đầu năm.

Diễn biến trên được Công ty Chứng khoán Rồng Việt lý giải, việc gián đoạn nguồn cung do chính sách Zero-Covid tại Trung Quốc đã thể hiện nhiều ở khía cạnh nhập khẩu hơn so với xuất khẩu. Theo đó, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 12,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 12,6% trong quý I. Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc chiếm ½ kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, giảm 2,3% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm. Nhập khẩu nguyên liệu cho hàng dệt may thu hẹp cũng có nguyên nhân đến từ khó khăn trong việc nhập hàng từ Trung Quốc.

Tờ Tiền phong đặt câu hỏi: “Vì sao xuất khẩu điều Việt Nam sang châu Âu tăng đột biến?”

Bài báo dẫn thông tin từ Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, từ khi Hiệp định EVFTA đưa vào thực thi, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có rất nhiều lợi thế. Thuế suất đối với các sản phẩm hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam giảm về 0%, thay vì con số dao động 7 - 12% như trước đây.

Năm 2021 xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU đạt 135.000 tấn, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu điều sang thị trường này đạt 48,68 nghìn tấn, trị giá 290,23 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 3. Đáng chú ý, các nước thuộc khối EU như Hà Lan, Đức, Anh, Italy hiện đều nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam.

Tuy vậy, để hạt điều Việt Nam thâm nhập sâu và có vị trí vững chắc tại EU, trước khi đưa hàng hoá vào thị trường, doanh nghiệp cần đầu tư chi phí để tìm hiểu các thông tin về các quy định thông qua các văn phòng luật sư được hỗ trợ trong quá trình giao dịch.

Liên quan đến vấn đề thị trường, câu chuyện gia xăng tăng vẫn được nhiều tờ báo đề cập. Cụ thể, tờ Thanh niên ngày 23/5 có bài: Giá xăng dầu phá kỷ lục, nỗi lo lạm phát?”

Bài báo cho biết, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hôm nay (23.5), giá xăng trong nước dự báo tăng tiếp, vượt mốc 30.000 đồng/lít, phá kỷ lục giá xăng cao nhất tại kỳ điều chỉnh trước. Hiện tại, giá xăng RON95 tại vùng 1 đã là 30.580 đồng/lít, nếu tăng 600 - 700 đồng/lít như dự báo, giá xăng sẽ vọt lên 31.000 đồng/lít. Như vậy, chỉ trong 4 tháng đầu năm, riêng giá xăng dầu đã tăng gần 49% so với cùng kỳ năm trước, giá gas trong nước cũng tăng gần 25% so cùng kỳ.

Không chỉ xăng dầu, cuối tuần qua, hàng loạt công ty kinh doanh và sản xuất thức ăn chăn nuôi đều thông báo đến các nhà chăn nuôi một mặt bằng giá mới, theo chiều hướng tăng từ ngày 25.5. Theo các chuyên gia, hầu hết các lĩnh vực chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, xây dựng và bán lẻ... đều bị ảnh hưởng lớn do xăng dầu tăng giá quá nhanh và liên tục. Giá xăng cũng là “thủ phạm” có thể khiến giá cả nhiều hàng hóa tăng vào cuối năm.

Tờ Vietnamnet ngày 23/5 có bài: “Giá xăng nguy cơ tăng gần 1.000 đồng/lít, kỷ lục đắt đỏ nhất lịch sử”. Bài báo cho biết, trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng. Giá dầu WTI của Mỹ tuần qua ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Còn dầu thô Brent tăng khoảng 1% trong tuần này.

Các chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ tăng mạnh trở lại khi Trung Quốc cho mở cửa lại thành phố Thượng Hải sau giai đoạn chống dịch nghiêm ngặt. Do giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng, dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 23/5 cũng sẽ tăng theo giá xăng, dầu thế giới


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết