CNBC: Thị trường dầu thế giới có thể đương đầu với khủng hoảng thiếu tồi tệ nhất nhiều thập kỷ
Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới và châu Âu phụ thuộc vào Nga để có nguồn cung dầu.
Bắt đầu từ đầu tháng 4/2022, khi mà các quy định trừng phạt của phương Tây bắt đầu thực sự ảnh hưởng đến hoạt động mua dầu từ Nga, sản lượng dầu trên thế giới sẽ hụt khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày.
Theo CNBC dẫn thông tin từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khả năng hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn đang đe dọa tạo ra cú sốc nguồn cung dầu toàn cầu. IEA cũng nói thêm rằng đây có thể là cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
“Tác động từ khả năng xuất khẩu dầu của Nga suy giảm mạnh lên thị trường toàn cầu không nên bị đánh giá thấp”, IEA phân tích.
Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới và châu Âu phụ thuộc vào Nga để có nguồn cung dầu.
Tháng 1/2022, tổng sản lượng dầu và các sản phẩm dầu của Nga duy trì ở ngưỡng 11,3 triệu thùng dầu/ngày, trong đó 8 triệu thùng dầu phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
Nhận định về thời gian tới, IEA cho rằng ước tính tổng sản lượng khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày đang chịu rủi ro. Trong số đó, 1,5 triệu thùng/ngày là dầu thô, các sản phẩm khác chiếm khoảng 1 triệu thùng.
Nhiều chuyên gia trên thị trường cũng đang tính đến khả năng đàm phán hòa bình gặp trục trặc, chính vì vậy gây ra thêm gián đoạn trên thị trường năng lượng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào ngày thứ Ba nói rằng một thỏa thuận đang dần trở nên hiện thực. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong khi đó nói với BBC rằng có hy vọng sẽ có thể có được một thỏa thuận, đồng thời cũng khẳng định rằng hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt sẽ được gỡ đi như thế nào và thỏa thuận sẽ có được ra sao.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chủ yếu nhắm đến các tổ chức tài chính và các cá nhân giàu có. Mỹ và Canada đã cấm nhập khẩu dầu còn Anh nói rằng họ cũng sẽ ngừng mua dầu. Tuy nhiên nhiều nước châu Âu khác chưa hành động tương tự bởi họ quá phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng.
Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung năng lượng vẫn tiếp tục được duy trì một phần bởi các thỏa thuận đó được ký kết trước khi Nga thực sự leo thang căng thẳng với Ukraine.
Cũng theo IEA, nhiều công ty dầu lớn, doanh nghiệp vận tải và ngân hàng hiện đang hạn chế làm ăn kinh doanh với Nga bởi lý do liên quan đến uy tín và còn bởi hiện chưa rõ ràng về các biện pháp trừng phạt trong tương lai.
Việc Nga đẩy cao căng thẳng trong mối quan hệ với Ukraine trong khoảng 3 tuần gần đây đã khiến giá dầu có rất nhiều biến đông bất lợi bởi nỗi lo về khả năng nguồn cung bị gián đoạn trong một thị trường vốn đã khan hiếm nguồn cung trở nên lớn hơn.
Vào ngày Nga đưa quân vào Ukraine, giá dầu vượt mức 100USD/thùng lần đầu tiên tính từ năm 2014. Từ đó đến nay, giá dầu không ngừng tăng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI, loại dầu chuẩn của Mỹ, leo lên mức 130,5USD/thùng trong tuần trước còn giá dầu Brent lên mức khoảng 140USD/thùng.
Tuy nhiên giá dầu tăng nhanh nhưng cũng giảm rất mạnh. Vào ngày thứ Ba của tuần này, giá dầu WTI giao dịch sở mức 96,62USD/thùng còn giá dầu Brent đứng ở mức 99,97USD/thùng.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu vẫn tăng khoảng 30%, như vậy áp lực lạm phát leo thang trong nền kinh tế. Giá khí đốt trong tuần trước lên mức cao nhất. Và xét đến việc dầu là sản phẩm được sử dụng rộng rãi, ví như trong ngành sản xuất nhựa và nhiều lĩnh vực sản xuất khác, giá dầu cao ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề.
IEA hạ dự báo nhu cầu dầu 1,3 triệu thùng/ngày trong quý 2,3 và 4 trong năm nay, IEA tính toán nhu cầu dầu năm 2022 ở mức 99,7 triệu thùng dầu/ngày, tăng 2,1 triệu thùng dầu/ngày so với ngưỡng của năm 2021.