Xung đột Ukraine làm chững đà tăng trưởng của EU và nhiều nền kinh tế lớn
Ngày 4/4, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni dự báo rằng cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến tăng trưởng của châu Âu giảm mạnh, tuy nhiên loại trừ khả năng khu vực rơi vào suy thoái trong năm nay.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Bộ trưởng Tài chính 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu tại Luxembourg, ông Gentiloni thừa nhận tác động của cuộc xung đột khiến kinh tế châu Âu không đạt mức tăng trưởng như dự báo trước đây. Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để đưa ra một ước tính cụ thể. Theo ông, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt 4% trong năm 2022.
Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), được đưa ra vào đầu tháng 2 vừa qua, trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, sẽ được cập nhật vào ngày 16/5 tới. Theo ông Gentiloni, bức tranh chung sắp tới không phải là suy thoái mà là "mức tăng trưởng giảm mạnh" vào thời điểm EU đang chuẩn bị gói biện pháp trừng phạt thứ năm chống lại Nga, có nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng và làm trầm trọng thêm tác động đối với người châu Âu. Ủy viên kinh tế châu Âu nêu rõ mức tăng trưởng kỷ lục trong năm vừa qua sẽ giúp khối duy trì được tăng trưởng dương trong cả năm 2022.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến lạm phát của Eurozone vào tháng 3 tăng vọt 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục, trong khi niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh. Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết thêm theo đánh giá hiện tại của EC, cuộc chiến tại Ukraine sẽ làm chậm lại đáng kể tăng trưởng kinh tế ở EU, nhưng không phải là suy thoái.
Cùng ngày 4/4, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cũng nhận định nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, đang đối mặt với giai đoạn khó khăn trong bối cảnh xảy ra nhiều sự việc chưa từng có, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine và lạm phát leo thang.
Trong thư thường niên gửi tới các cổ đông, ông Dimon viết rằng cùng với diễn biến khó lường của cuộc chiến và sự không chắc chắn xung quanh các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, giá cả hàng hóa tăng nguy cơ dẫn đến “tình huống bùng nổ”. Ông Dimon nhận định kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và hy vọng đẩy lùi được dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có và sự kết hợp của những yếu tố này có thể làm tăng đáng kể rủi ro trong thời gian tới.
Trong tài liệu gần 50 trang, ông Dimon đề xuất một số giải pháp cho các thách thức địa chính trị cũng như những vấn đề kinh tế và chính trị của Mỹ. Trong đó, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase cho rằng các ngành công nghiệp Mỹ sẽ phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng để cải thiện khả năng phục hồi và bảo vệ an ninh quốc gia. Ông cũng kêu gọi Mỹ tăng cường sản xuất năng lượng và hỗ trợ châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Các chuyên gia kinh tế của JPMorgan dự báo GDP của Nga sẽ giảm 12,5% vào giữa năm nay, tồi tệ hơn giai đoạn sau thảm kịch vỡ nợ năm 1998, trong khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm 50% xuống còn khoảng 2% và kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,5%. Tuy nhiên, ông Dimon cảnh báo những con số dự báo này vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn.