A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Vì sao Ấn Độ liên tiếp cấm các ứng dụng công nghệ của Trung Quốc?

Không chỉ cấm sử dụng các sản phẩm của các công ty công nghệ Trung Quốc , chính phủ Ấn Độ đã và đang cố gắng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực như đầu tư hay xây dựng hạ tầng giao thông.

Ngày 15/2, Ấn Độ đã ra lệnh cấm 54 ứng dụng Trung Quốc do lo ngại nguy cơ đe dọa an ninh.

Theo đó, danh sách các ứng dụng Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ bao gồm Sweet Selfie HD, Beauty Camera - Camera selfie, Garena Free Fire - Illuminate, Viva Video Editor, Tencent Xriver, Onmyoji Arena, AppLock và Dual Space Lite...

Một số ứng dụng này thuộc quyền sở hữu của các công ty công nghệ lớn Trung Quốc như Tencent, Alibaba.

Đáng chú ý, sau khi Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm tựa game di động nổi tiếng Free Fire, giá trị thị trường của Tập đoàn SEA đã nhanh chóng bốc hơi hơn 16 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thậm chí lo ngại chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét cấm Shopee, nền tảng thương mại điện tử trụ cột của SEA, nơi có khoảng 300 nhân viên và 20.000 người bán bản địa tính đến tháng 12 năm ngoái.

Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ có động thái này. Vào năm 2020, nước này đã cấm tổng cộng khoảng 224 ứng dụng Trung Quốc chia ra làm 3 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 6 gồm 59 ứng dụng phổ biến bị cấm như TikTok, Shareit, WeChat, Helo, Likee, UC News, Bigo Live, UC Browser, ES File. Explorer và Mi Community. Đợt 2 diễn ra vào tháng 9, gỡ xuống 118 ứng dụng. Đợt cuối cùng vào tháng 11 với 43 ứng dụng.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn cơn của động thái này do căng thẳng giữa hai nước trong một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài. Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.488 km dọc theo dãy Himalaya. Sau khi bùng nổ trong một cuộc giao tranh năm 2020, hàng nghìn binh lính, xe tăng và súng pháo của cả hai nước vẫn tập trung ở đây, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

Nhìn chung, với bối cảnh căng thẳng leo thang, áp lực sẽ đến với các công ty hoạt động tại cả hai quốc gia. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc - những đơn vị đang cố giành lấy một phần miếng bánh trong thị trường Internet phát triển với tốc độ bùng nổ như Ấn Độ.

Ấn Độ là địa bàn hấp dẫn của các hãng công nghệ Trung Quốc muốn mở rộng thị trường. Theo tổ chức Gateway House, ước tính các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc đã đổ 4 tỷ USD vào startup Ấn Độ. Khoảng 18 trong 30 kỳ lân công nghệ Ấn Độ - startup trị giá hơn 1 tỷ USD – được Trung Quốc góp vốn.

Các ứng dụng Trung Quốc như TikTok thách thức nhiều ông lớn Mỹ như Facebook, Google, còn smartphone Trung Quốc như Xiaomi lại củng cố vị trí vững vàng tại Ấn Độ. Nhìn chung, hệ sinh thái công nghệ Ấn Độ đều phụ thuộc vào nguồn tiền từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ, chính phủ Ấn Độ cũng cho biết đang thực hiện các bước để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trước đó vào năm 2020, Ấn Độ đã thông báo rằng các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia có chung biên giới đất liền với nước này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.

"Động thái này cho thấy Ấn Độ muốn kiểm soát cẩn thận dòng đầu tư và tài sản của Trung Quốc", Sukanti Ghosh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Albright Stonebridge, có trụ sở tại Washington nhận xét.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Ấn Độ cũng đã ra quyết định cấm các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng đường cao tốc ở nước này. Bộ trưởng Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết các công ty Trung Quốc sẽ không được phép tham gia vào các dự án xây dựng đường cao tốc ở Ấn Độ, bao gồm cả dự án liên doanh.

Bộ trưởng Gadkari nhấn mạnh rằng, chính phủ Ấn Độ sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư Trung Quốc không được hoan nghênh trong lĩnh vực này.


Tác giả: Theo Trần Võ/nhadautu.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết