Từ Thái Lan tới Singapore chạy đua xây sân bay mới
Từ Thái Lan, Singapore, Malaysia cho đến Campuchia, Philippines đều đang chạy đua xây mới, nâng cấp các sân bay của mình.
Điều tra của Nikkei cho thấy hàng loạt kế hoạch mở rộng, xây mới sân bay của các nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Campuchia có thể nâng tổng quy mô cung ứng dịch vụ lên ít nhất 653 triệu lượt khách vào năm 2030, cao gấp đôi so với 336 triệu người tính đến tháng 1/2023.
Sự bùng nổ này đến từ việc gia tăng số hộ gia đình trung lưu, qua đó kích thích nhu cầu hàng không của các thị trường hậu đại dịch.
Số liệu của JADC cho thấy nhu cầu di chuyển hàng không tại Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp 3 lần trong 20 năm kể từ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng ngành hàng không của khu vực ở mức 4,6%, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu 3,4%.
Chạy đua xây sân bay
Tại Thái Lan, nhà ga vệ tinh lớn nhất nước tại sân bay Suvarnabhumi Airport gần thủ đô Bangkok đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2023 và sự kiện này được Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đánh giá là đúng thời điểm để thúc đẩy nền kinh tế nội địa.
Thủ tướng Thavisin cũng kỳ vọng dự án này sẽ góp phần hồi sinh ngành du lịch Thái Lan vốn đã chịu tổn thương nặng nề trong đại dịch Covid-19.
Nhà ga mới này có thể phục vụ cho 28 chiếc máy bay cùng neo đậu và 15 triệu hành khách mỗi năm.
Nếu hoạt động hết công suất, sân bay Suvarnabhumi Airport có thể gia tăng 30% lượng hành khách mỗi năm lên 60 triệu người, qua đó giải tỏa thời gian chờ đợi làm thủ tục.
Ngoài ra, sân bay này cũng sẽ đưa đường băng thứ 3 sắp được hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2024, đồng thời dự kiến xây dựng nhà ga vệ tinh thứ 2 và một đường băng mới nữa vào năm 2030 với mục tiêu nâng tổng số hành khách phục vụ lên 150 triệu người.
Bên cạnh đó, chính quyền Bangkok còn dự kiến mở rộng 2 sân bay khác là Don Mueang International Airport và U-Tapao Airport.
Nếu hoàn thành thì cả 3 sân bay sẽ tiếp đón được khoảng 200 triệu lượt hành khách mỗi năm vào năm 2030.
Tương tự, Campuchia cũng đang xây dựng một sân bay quốc tế mới gần thủ đô Phnom Penh và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 với tổng giá trị đầu tư 1,5 tỷ USD.
Hiện các sân bay tại đây mới chỉ tiếp đón được khoảng 13 triệu lượt hành khách và sẽ nâng công suất lên 30 triệu vào năm 2030.
Tại Malaysia, nước này cũng đang có kế hoạch nâng gấp đôi công suất đón tiếp của các sân bay lên 150 triệu lượt hàng năm. Phía Singapore cũng hướng đến gia tăng 75% công suất đón tiếp của các sân bay lên 140 triệu lượt.
Trong khi đó, Philippines cũng có kế hoạch mở rộng quy mô của 4 sân bay quanh thủ đô Manila.
Tờ Nikkei nhận định việc nâng cấp quy mô các sân bay có thể cải thiện trải nghiệm của du khách cũng như hỗ trợ ngành du lịch, thu hút thêm nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.
Ngoài ra số tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các dự án sân bay này cũng sẽ đem lại những hiệu quả lan truyền phụ kích thích nền kinh tế.
Việc lượng lớn nguồn vốn được đổ vào các cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu nội địa, qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này thậm chí đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối 3 sân bay lại với nhau, đi qua các khu trung tâm thủ đô nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài.