A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Trung Quốc "đủ sức" tạo đối trọng với Mỹ?

Dù Trung Quốc đang tìm cách tạo đối trọng với Mỹ, nhưng một số chuyên gia nhận định rằng, Mỹ không cần quá lo ngại về những nguy cơ mà Trung Quốc mang lại.

Mỹ luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược

Mỹ luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược

Không có nhiều vấn đề ở Washington, DC đạt được sự đồng thuận cao, nhưng lưỡng đảng Hoa Kỳ luôn đạt được mức độ nhất trí cao về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, quốc gia được cho là đang trỗi dậy và thách thức vị thế của Mỹ.

Trong chiến lược quốc phòng đưa ra vào tháng 10/2022, Mỹ coi Trung Quốc là thách thức và kêu gọi tăng cường khả năng răn đe Bắc Kinh. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng nhất của Mỹ trong những thập kỷ tới. Tương tự, chính quyền Trump cho biết vào năm 2020 rằng Hoa Kỳ đang hành động để bảo vệ chính mình và các đối tác trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, mức ngân sách kỷ lục 842 tỷ USD của chính quyền Biden dành cho Lầu Năm Góc cho năm tài chính 2024 là do mức độ nghiêm trọng của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trên thực tế, xét theo nhiều khía cạnh, các chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang ở vị thế yếu hơn so với những đánh giá của Mỹ.

Trong bài viết được đăng tải trên CNN, ông Peter Bergen, Giáo sư tại Đại học Bang Arizona bày tỏ quan điểm, do nhận thấy mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ và một số đồng minh hiện đang tiến hành củng cố lại trên tất cả các lĩnh vực, từ quân đội đến các cơ quan tình báo và an ninh, quan hệ ngoại giao và kinh tế, quy định về thương mại, tài trợ giáo dục đại học, giám sát phương tiện truyền thông xã hội và hơn thế nữa.

Nhưng khi xem xét một số khía cạnh của Trung Quốc hiện nay, chuyên gia này đánh giá, vấn đề nhân khẩu học được cho là yếu tố quan trọng khiến hầu hết các quan chức Trung Quốc phải cảnh giác. Chính sách một con của Trung Quốc, một trong những thử nghiệm táo bạo nhất trong lịch sử của quốc gia này, được bắt đầu vào năm 1980 và kết thúc vào năm 2016, giờ đây đã tạo ra sự sụt giảm dân số mạnh mẽ và không thể tránh khỏi của quốc gia này.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, trở thành mức thấp nhất trong số các quốc gia có dân số hơn 100 triệu người.

Cơ cấu dân số già của Trung Quốc sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc. "Trung Quốc giờ đây có thể rút ra nguồn nhân lực khổng lồ để phục vụ trong lực lượng vũ trang lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang xây dựng, nhưng theo thời gian nguồn nhân lực đó đang bị thu hẹp nhanh chóng", ông Bergen cho biết.

Cục Điều tra Dân số Mỹ ước tính Trung Quốc ngày nay có khoảng 350 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, nhóm nhân khẩu học chiếm phần lớn quân đội nước này. Đó là sự sụt giảm mạnh so với mức đỉnh điểm năm 2012 là khoảng 400 triệu người; và dự kiến đến năm 2040, con số đó sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 299 triệu.

Trong khi đó, Ấn Độ đã có khoảng 402 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và đến năm 2040, con số đó dự kiến có thể sẽ tăng lên 424 triệu.

Mặc dù nhân lực không phải là thước đo quan trọng duy nhất đánh giá tiềm lực quân sự của một quốc gia, nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, sự thu hẹp ngày càng nhanh của nhóm dân số từ 15-49 tuổi là một vấn đề chưa từng có, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà của toàn bộ lực lượng lao động Trung Quốc.

Cục Điều tra Dân số Mỹ ước tính đến năm 2050, gần 38% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi và dân số già của nước này sẽ đông hơn dân số trong độ tuổi quân nhân.

"Thật khó hình dung cách thức để mô hình kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng liên tục khi dân số của nước này suy giảm", ông Bergen nói.

Mặt khác, theo Đại tá Joel Rayburn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Levant (Mỹ), nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn khác như tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Sau đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ dừng công bố số liệu này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã sụp đổ vào năm 2021. Theo Financial Times, đây là nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 340 tỷ USD. Tuần trước cổ phiếu của Evergrande đã giảm hơn 70%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc cũng đang rơi vào khó khăn chồng chất, có nguy cơ phá sản.

Đây là một yếu tố có tác động quan trọng vì bất động sản đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Trong một số năm, bất động sản đã chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc, tuy nhiên số liệu nghiên cứu của Đại học Tây Nam Trung Quốc cho thấy, từ năm 2018 khoảng 1/5 số căn hộ ở Trung Quốc bị bỏ trống.

Trong khi đó, các chính sách đầu tư thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang cho thấy đây là lực cản tài chính khi các khoản vay trị giá hàng tỷ USD vẫn chưa được hoàn trả cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình là một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế, như khi họ làm trung gian cho một thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran vào đầu năm nay. Nhưng nhìn chung, Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy, các quan điểm tiêu cực về Trung Quốc vẫn ở mức hoặc gần mức cao trong lịch sử ở nhiều quốc gia được thăm dò".

"Việc Mỹ cần cảnh giác với Trung Quốc vẫn được cho là yếu tố cần thiết. Nhưng việc đánh giá quá cao đối thủ cũng là một sai lầm lớn", ông Rayburn nói. 

Tuy nhiên, đó là trong ngắn hạn, còn trong dài hạn Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành đối trọng đáng gờm của Mỹ khi họ đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên mọi mặt, nhất là quân sự.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn

Nguồn:tapchitaichinh.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết