Khi châu Âu chán khách du lịch...
Trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải kích cầu du lịch và làm mọi biện pháp để thu hút du khách, châu Âu lại đang chật vật để chống quá tải du lịch do lượng khách quá đông làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân địa phương cùng nhiều hệ lụy khác.
Theo CNN, các cuộc biểu tình phản đối du lịch diễn ra trên hầu khắp châu Âu vào mùa hè này, nhất là tại các điểm đến nổi tiếng như Barcelona, Mallorca... Tại Hà Lan, Hy Lạp cũng chứng kiến những cuộc tuần hành phản đối du khách của người dân địa phương.
Làn sóng biểu tình phản đối du lịch ở châu Âu là hệ quả của tình trạng quá tải du lịch diễn ra nhiều năm gần đây ở châu Âu. Người dân địa phương không còn chịu đựng được cảnh môi trường sống bị ô nhiễm, giá nhà thuê tăng vọt, khiến cơ hội sở hữu nhà của họ càng ít hơn, không gian sống bị thu hẹp, giao thông quá tải, thực phẩm cũng đắt đỏ hơn... Theo báo cáo của Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni, giá thuê nhà tại thành phố này đã tăng 68% trong thập kỷ qua. Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều thành phố ở châu Âu.
Người biểu tình tại Barcelona phun nước vào du khách để phản đối quá tải du lịch. Ảnh: CNN |
Vấn đề cốt yếu hơn đó là lợi nhuận từ du lịch thực tế chỉ làm giàu cho một số ít người, đẩy người lao động nghèo ra khỏi khu vực. Phần lớn lợi nhuận từ du lịch rơi vào tay các công ty du lịch, các nhà đầu tư từ nơi khác tới xây khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, cung cấp dịch vụ vận chuyển hay giải trí cho du khách, trong khi phần tới tay người dân địa phương là không đáng kể.
Bà Antje Martins, chuyên gia về du lịch bền vững từ Đại học Queensland cho rằng, các cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn sâu rộng hơn về ngành du lịch không được quản lý bền vững. Theo bà, các hành động phản kháng này không chỉ là sự phản đối đối với du khách mà còn là sự phản ánh của việc cư dân địa phương không nhận được lợi ích từ ngành du lịch.
Hồi đầu tháng 7, tại Barcelona, 2.800 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối du lịch. Đám đông đã có hành động cực đoan khi diễu hành qua các điểm du lịch nổi tiếng hô vang khẩu hiệu đuổi du khách “Khách du lịch này về nhà” và phun nước vào du khách. Những người biểu tình tại Barcelona không chỉ nhắm vào du khách mà còn muốn gây sức ép lên chính quyền địa phương để thực hiện các thay đổi chính sách.
Trước sức ép gia tăng và nhận thức tính nghiêm trọng của thực trạng quá tải du lịch, một số thành phố ở châu Âu đã thực hiện các biện pháp nhằm cản bước du khách. Tại thành phố Marseille, Pháp, Vườn quốc gia Calanques áp dụng hệ thống đặt chỗ, giới hạn tối đa 400 du khách tham quan mỗi ngày vào mùa hè. Thành phố Venice của Italy đã áp dụng mức phí vào cửa tạm thời từ ngày 25-4 đến 14-7 và thu được hơn 2,4 triệu euro từ mức phí này. Cũng tại Italy, thị trấn Cinque Terre bên bờ Địa Trung Hải có biện pháp làm nản lòng du khách rất sáng tạo khi ra lệnh cấm đi dép xỏ ngón-vốn được du khách khá yêu thích. Quy định này được ban hành từ năm 2019 nhằm giảm bớt sự hăng hái của du khách đến thị trấn và quan trọng hơn là ngăn chặn những tai nạn trượt ngã nguy hiểm. Nếu vi phạm, du khách phải nộp phạt lên tới 2.500 euro.
Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni đã đề xuất tăng thuế du lịch đối với hành khách đi du thuyền và chấm dứt giấy phép của khoảng 10.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn. Còn ngôi làng Binibeca Vell trên đảo Menorca của Tây Ban Nha đã quyết định cấm cửa du khách để tìm lại sự bình yên quý giá. Ngôi làng nổi tiếng trên mạng xã hội với những con đường hẹp, quanh co và những biệt thự trắng tinh từ lâu đã trở thành điểm đến check-in hấp dẫn du khách. Cuộc sống yên bình của người dân ở đây bị xáo động bởi làn sóng du khách đổ xô tới để chụp ảnh.
Tại Đan Mạch, thủ đô Copenhagen có cách làm tích cực hơn đó là tặng thưởng cho du khách có ý thức tham gia các hoạt động thân thiện với môi trường. Sáng kiến mới này mang tên CopenPay nhằm biến các hành động xanh thành tiền tệ để đổi các trải nghiệm văn hóa. Từ ngày 15-7 đến 11-8, du khách tham gia các sáng kiến xanh của thành phố Copenhagen như đạp xe, đi tàu và dọn dẹp, hoặc tình nguyện làm việc tại các trang trại đô thị... sẽ được CopenPay thưởng “quyền truy cập” nhiều trải nghiệm phong phú tại đây.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế du lịch như thu phí, hạn chế số khách hay tạm thời đóng cửa các điểm tham quan vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, bởi trên thực tế, lượng du khách sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm du lịch đáng nhớ vẫn rất lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu đã áp dụng nhiều biện pháp để phần nào quản lý làn sóng khách du lịch hiệu quả hơn, nhưng chủ yếu vẫn phải làm sao để cân bằng hài hòa giữa kinh tế và quyền lợi của người dân. Giải pháp lâu dài cho vấn đề này là đầu tư vào cộng đồng địa phương và cải thiện quản lý du lịch bền vững. Cách tốt nhất là bảo đảm để doanh thu từ du lịch được đầu tư vào địa phương, giúp người dân có thể tiếp tục sống và làm việc tại chính nơi mình sinh ra.
XUÂN PHONG