A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hồng Kông (Trung Quốc) chính thức chấp nhận Hiệp định về trợ cấp nghề cá của WTO

Ngày 21-8, Hồng Kông (Trung Quốc) đã gửi văn bản chấp nhận Hiệp định về trợ cấp nghề cá lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đó, ngày 27-6, Trung Quốc cũng đã gửi văn bản chấp nhận hiệp định này lên WTO.

Ông Algernon Yau Ying-wah, Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế và thương mại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, Hồng Kông luôn kiên định ủng hộ chế độ thương mại đa phương, bày tỏ vui mừng được đệ trình văn bản lên WTO. Hồng Kông mong muốn cùng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thực hiện hiệp định này nhằm mang lại lợi ích về cả thương mại, phát triển và môi trường.

Ông Algernon Yau Ying-wah khẳng định, việc WTO ký kết thành công Hiệp định về trợ cấp nghề cá là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc các thành viên của tổ chức này tái khẳng định thông qua chủ nghĩa đa phương cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế được quan tâm. Hồng Kông cam kết hợp tác với các thành viên WTO để tăng cường hơn nữa các quy tắc của hiệp định này.

 Ông Algernon Yau Ying-wah, Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế và thương mại Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: Thestandard.com.hk

Sau hơn 20 năm đàm phán, Hiệp định về trợ cấp nghề cá của WTO đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới lần thứ 12 (MC12) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6-2022. Hiệp định đặt ra các quy tắc đa phương có tính ràng buộc nhằm cấm hỗ trợ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cấm hỗ trợ đánh bắt các nguồn lợi bị đánh bắt quá mức và chấm dứt trợ cấp cho việc đánh bắt cá trên các vùng biển không được kiểm soát. Đây là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên lấy tính bền vững môi trường làm cốt lõi.

Cần có sự phê chuẩn của 2/3 trong số 164 thành viên của WTO thì hiệp định này mới có hiệu lực. Cho đến nay, đã có 16 thành viên của WTO đã chấp nhận hiệp định này, bao gồm: Belize, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Gabon, Hồng Kông (Trung Quốc), Iceland, Nhật Bản, Nigeria, Peru, Seychelles, Singapore, Thụy Sĩ, Ukraine, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Mỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết