A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Động lực để Trung Quốc nhân rộng mô hình “thành phố bọt biển”

Trung Quốc đang triển khai kế hoạch nhân rộng các “thành phố bọt biển” trong thập kỷ tới để ngăn chặn lũ lụt, thúc đẩy đa dạng sinh học và cắt giảm lượng khí thải. Nhưng chính xác thì những thành phố này là gì và chúng hoạt động như thế nào?

Đối mặt với lũ lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng, các thành phố ở Trung Quốc đang nhân rộng mô hình “thành phố bọt biển”. Thay vì dựa vào “cơ sở hạ tầng xám” gồm đê điều, đường ống thoát nước, đập và kênh, các “thành phố bọt biển” cho phép các khu vực đô thị hấp thụ nước trong thời điểm lượng mưa lớn và giải phóng ra trong thời gian hạn hán. Ông Kongjian Yu, Trưởng khoa Kiến trúc của Đại học Bắc Kinh, đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu các “thành phố bọt biển” và dành hơn 20 năm để vận động cho việc áp dụng ở Trung Quốc. Ông khẳng định, việc xây dựng các hàng rào bê tông rộng lớn và che phủ tất cả các bề mặt thấm nước như hiện nay chắc chắn sẽ thất bại và thay vào đó, các thành phố nên áp dụng các giải pháp chống ngập lụt dựa trên tự nhiên.

Động lực để Trung Quốc nhân rộng mô hình “thành phố bọt biển” ảnh 1

Các sông hồ, kênh rạch tự nhiên uốn khúc cùng các vùng đất ngập nước ở “thành phố bọt biển” sẽ giúp chống lại biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học

Một giải pháp thích ứng

Vấn đề này đã trở thành tâm điểm chú ý khi lũ lụt tràn ngập Bắc Kinh vào năm 2012, làm tê liệt thành phố và nhiều người thiệt mạng. Tình trạng lũ lụt này cũng phổ biến ở các nước đang phát triển khác, mà nguyên nhân là quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phá hủy các vùng đất ngập nước, được ví như những bọt biển tự nhiên có thể ngậm và giải thoát nước một cách từ từ.

Với ông Kongjian Yu, một thành phố lý tưởng là không có “cơ sở hạ tầng xám”, có các vùng đất ngập nước, các khu vực cây xanh, các bề mặt thấm nước, thảm thực vật rộng rãi, các con lạch quanh co, các khu vực mở bên cạnh các con đường... Nguyên tắc cơ bản của dạng đô thị này là cung cấp cho nước đủ chỗ và thời gian thoát vào đất thay vì dẫn nước đi càng nhanh càng tốt và cô lập nó trong các đập lớn.

Theo chuyên gia kiến trúc Yu, việc thay thế cơ sở hạ tầng bằng bê tông có thể cứu được nhiều mạng người. “Không chỉ ở Trung Quốc, mà cả ở Mỹ, bạn cũng thấy những con đập vỡ đã cướp đi sinh mạng nhiều người. Ngay cả khi hệ thống đập và đường ống dày hơn, chắc hơn nhiều, nó vẫn sẽ hỏng sau 10 năm hoặc thậm chí một năm. Đó không phải là một giải pháp thích ứng, nó đang chống lại thiên nhiên”, ông Kongjian Yu phân tích.

Ưu điểm của “thành phố bọt biển”

Về ưu điểm, các đường nước tự nhiên và đất thấm được sử dụng trong các thiết kế “thành phố bọt biển” có thể làm sạch nước và giảm ô nhiễm. Nước mưa có thể bốc hơi và làm mát thành phố. Và về lý thuyết, nó cũng có thể được sử dụng trong hệ thống cấp nước cho việc tưới tiêu và làm sạch đường phố, đồng thời giảm tiêu thụ nước máy. Cùng với đó, thảm thực vật, trầm tích và vi sinh vật trong hệ thống nước của “thành phố bọt biển” có thể thay thế hệ thống lọc nước đô thị tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc ít nhất là giảm bớt gánh nặng cho chúng. Ông Kongjian Yu cho rằng, chỉ cần 1% diện tích đất được giao cho hệ thống thoát nước, thì hầu hết tình trạng lũ lụt sẽ chấm dứt. Tất nhiên, nếu xảy ra đại hồng thủy 1.000 năm mới có một lần, 6% diện tích đảm nhiệm việc thoát nước sẽ đủ để ngăn chặn thiệt hại.

Khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng xảy ra. Điều này có nghĩa, các thành phố có thể đón nhận lượng mưa khó lường hơn và có nguy cơ áp đảo các hệ thống hiện tại. Nhưng “thành phố bọt biển” sẽ là một cách tốt để phản ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của “thành phố bọt biển” đòi hỏi ít năng lượng hơn nhiều để duy trì khi so sánh với “cơ sở hạ tầng xám”. Nó làm giảm tải cho các cơ sở xử lý nước, trong khi hiệu ứng giảm nhiệt làm giảm sự phụ thuộc vào điều hòa không khí. Việc xây dựng ít tốn kém hơn, ít lượng bê tông cần thiết hơn. Và quan trọng là, các “thành phố bọt biển” chứa không gian xanh rộng lớn hấp thụ carbon dioxide. Nếu được áp dụng trên toàn thế giới, nói có thể tạo ra sự khác biệt thực sự đối với biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ lũ lụt toàn cầu.

Những không gian xanh này cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học - việc mất đi tính đa dạng sinh học là một trong những mối đe dọa chính mà nhân loại phải đối mặt cùng với biến đổi khí hậu. Khi các vùng đất ngập nước và rừng phát triển thịnh vượng, các sinh vật và thực vật phát triển mạnh trong những cảnh quan như vậy. Ông Faith Chan, giáo sư tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc cho biết, quá trình nghiên cứu sâu rộng và áp dụng thành phố bọt biển ở thành phố biển Ninh Ba, cách Thượng Hải 150km về phía Nam cho thấy: “Hầu hết cộng đồng thích có nhiều công viên đô thị hơn để giải trí”. Thành phố này đã tạo ra một hành lang sinh thái trên một địa điểm hậu công nghiệp “không thể ở được”, nhưng hiện giờ lại là địa điểm yêu thích của người dân.

Năm 2013, ý tưởng xây dựng “thành phố bọt biển” của ông Kongjian Yu, Trưởng khoa Kiến trúc của Đại học Bắc Kinh, đã được Chính phủ Trung ương Trung Quốc thông qua và kế hoạch đã được triển khai tới 30 thành phố. Sau khi thử nghiệm thành công, các thành phố hiện có nghĩa vụ xây dựng các yếu tố của “thành phố bọt biển”. Các nhà chức trách Trung Quốc hy vọng sẽ biến 80% khu vực đô thị “thành phố bọt biển” vào năm 2030.

(Theo DW)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết