A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tiền tồn kho, vì đâu doanh nghiệp vẫn khát vốn?

Câu chuyện ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn trở đi trở lại trong năm 2024 trong bối cảnh tín dụng tăng thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến hết tháng 2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy vốn vẫn khó bơm vào nền kinh tế.

Article thumbnail
Tiền tồn kho, vì đâu doanh nghiệp vẫn khát vốn? Ảnh mình họa: NĐ

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023 và đến thời điểm hiện nay, tín dụng vẫn chưa có sức bật.

Mặt bằng lãi suất vay đều đã hạ nhiệt

Năm 2022, lãi suất cho vay tăng “chóng mặt” qua mỗi kỳ điều chỉnh, từ 11% lên 13,5%, sau đó lên gần 15%/năm vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, tín hiệu lãi vay giảm dần xuất hiện sau đó. Đến nay, tham khảo thị trường, một điều dễ nhận thấy là nhiều nhà băng hạ lãi suất cho vay mua nhà 2-3 điểm % so với cuối năm ngoái, xuống quanh 5,9-7%/năm.

Trước đó, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa.

Hiện tại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao. Các nhà băng cũng "tung" ra nhiều ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh.

Dù lãi suất đã về mức thấp, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn tín dụng nhờ nền lãi suất thấp và ổn định, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có nhu cầu vay, vì thị trường chưa phục hồi.

Bà Hồ Trúc Lam - Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Horeca Food cho biết, đa số các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ khó đạt được chuẩn cho vay. Ngoài việc không có tài sản thế chấp, những năm qua lợi nhuận hầu như không có và ngân hàng không thể cho vay dưới tiêu chuẩn.

Trên thực tế, bài toán không nằm ở doanh nghiệp mà nằm ở kích cầu tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Do đó, nếu ngân hàng nới rộng được khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc tín chấp sẽ cởi mở hơn cho doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm này.

"Đây là động lực để kích cầu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế", bà Lam nhận định.

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM - chia sẻ hiện nay lãi suất đã giảm sâu, thủ tục vay vốn cũng tiến bộ hơn nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa tăng.

Lý do là doanh nghiệp cũng chưa thể phát triển sản xuất khi mà chưa bán được hàng hóa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số khó khăn như tình hình tài chính chưa minh bạch, tài sản thế chấp… nên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế.

Các ngân hàng cũng có nhu cầu cấp tín dụng, tuy nhiên việc kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp rào cản.

Ngành ngân hàng gặp khó khăn gì?

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tăng trưởng thấp trong các tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến. Bình quân tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm trong giai đoạn 2013-2023 là 0,56%. Tuy nhiên, năm 2014-2018 và 2024 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm đều âm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng chỉ ra một số khó khăn của ngành Ngân hàng như: Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn, kể cả vốn ngắn hạn chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, trong khi doanh nghiệp căng mình chống chọi với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Ngành Ngân hàng đối diện với áp lực nợ xấu hiện hữu trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiếp tục khó khăn khi nhiều người vay cố tình không trả nợ, cá biệt còn thành lập hội nhóm bùng nợ công khai trên mạng xã hội, dẫn đến các tổ chức tín dụng thu hẹp phạm vi, đối tượng cho vay... Việc triển khai một số chương trình, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, một số điều kiện đối với người mua nhà không phù hợp với nguồn lực, nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Do vậy chỉ sự nỗ lực riêng của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông nói.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các bộ ngành, địa phương cùng triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp, như xúc tiến thương mại, hoàn thuế, tăng đầu tư công, kích cầu tiêu dùng.

Cùng đó, ông Hùng cũng đề nghị cơ quan quản lý gỡ khó về pháp lý, đất đai, thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng sản xuất.

Mới đây, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 (ngày 14/3/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những giải pháp đưa ra cần thực chất, hiệu quả, gỡ đúng các vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt, hài hoà giữa lãi suất - tỷ giá- kiểm soát lạm phát để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng", đề cao trách nhiệm của các bên, cả phía ngân hàng và doanh nghiệp, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết