Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần sự chia sẻ, đồng hành của các bên
Trước tình hình nhiều nhà đầu tư muốn đáo hạn sớm trái phiếu doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh bán tháo và cắt lỗ trái phiếu đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành. Thị trường hiện nay cần có sự chia sẻ và đồng hành của nhà đầu tư, tổ chức phát hành, các định chế tài chính trung gian và sự can thiệp vừa đủ của cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhà đầu tư nên bình tĩnh
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 3 tuần đầu tháng 10/2022, không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư rút vốn khiến doanh nghiệp phát hành phải đẩy mạnh hoạt động mua lại trước hạn.
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.458 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường trái phiếu đến sớm hơn, thị trường có thể tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là năm 2023.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh và xem xét kỹ các vấn đề để phân loại được các trái phiếu tốt và trái phiếu kém chất lượng. Nhà đầu tư không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân. Với các trái phiếu chất lượng cao, nhà đầu tư thậm chí có thể có cơ hội mua trên các thị trường thứ cấp và nắm giữ lâu dài với mức giá đã chiết khấu.
Bàn về vấn đề này, trong một talkshow mới đây, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, thị trường trái phiếu hiện không có rủi ro hệ thống, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp tốt, uy tín và có thương hiệu trên thị trường có thể yên tâm vì đây là các doanh nghiệp có phương án phát hành tốt và nguồn vốn huy động từ trái phiếu được thực hiện cho các kế hoạch kinh doanh triển vọng.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Cần có sự chia sẻ, đồng hành của các bên
Khuyến cáo đối với nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. Một cách khác được đề cập đến là “hàng đổi hàng” hay nói cách khác là trái chủ yêu cầu hoặc doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khó khả thi nếu sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao hơn số dư đầu tư trái phiếu.
Theo ông Thuân, một phương án rất phổ biến hiện nay ở thị trường trái phiếu Trung Quốc là thu xếp giãn nợ. Thay vì ép các doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán mua lại thì các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp và thực hiện giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó. Việc gia hạn này thực tế cũng là hoạt động tái cấp vốn hoặc tái cấu trúc nợ mà hiện các ngân hàng Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Theo Tổng giám đốc FiinRatings trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/hoặc gốc thì việc chấp nhận "ngồi lại" đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.
Về đánh giá trái phiếu, theo Tổng giám đốc FiinRatings, để đánh giá được chất lượng trái phiếu thì không chỉ cần thông tin về lô trái phiếu đó mà điều quan trọng nhất là tổ chức phát hành đó làm ăn ra sao. Hơn nữa, số liệu và báo cáo tài chính trong quá khứ là quan trọng, nhưng triển vọng kinh doanh và dòng tiền thu về để đáp ứng nghĩa vụ nợ đó còn quan trọng hơn.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán cũng cần tăng cường chất lượng dịch vụ để tham gia tích cực vào công tác tư vấn, phân phối, bảo lãnh… trái phiếu doanh nghiệp, góp phần xây dựng một kênh đầu tư lành mạnh bên cạnh đầu tư cổ phiếu.
Như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần có được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của trái chủ/nhà đầu tư và cũng là trách nhiệm khi đầu tư vào một tài sản có rủi ro cao; sự chủ động của doanh nghiệp là tổ chức phát hành trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin; sự chủ động tham gia của các định chế tài chính trung gian, và một sự can thiệp vừa đủ của cơ quan quản lý.
Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Nghị định này được đánh giá sẽ góp phần sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực chất hơn, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.
Việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động minh bạch hơn.