Mở rộng cửa cho trái phiếu xanh
Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để cụ thể hóa mục tiêu này, việc huy động nguồn vốn xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Mới ở giai đoạn đầu
Trái phiếu xanh được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi về môi trường và xã hội. Trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu, đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó lớn nhất là Mỹ, Canada, Pháp, Trung Quốc…
Theo báo cáo của Climate Bonds Initiative (Sáng kiến Trái phiếu khí hậu) năm 2022, khối lượng trái phiếu xanh phát hành mới trong năm 2021 đạt 517,4 tỷ USD, cao hơn 85% so với năm trước. Dự báo, các sản phẩm xanh được phát hành mới trong năm 2022 sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, đến đầu năm 2021, trái phiếu xanh có quy mô phát hành đạt mức 284 triệu USD. Phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho năng lượng tái tạo, chất thải và nông nghiệp.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu xanh của nước ta vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu đều chưa chắc chắn. Nhiều tổ chức phát hành vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh, hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững…
Để đạt được các cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris (COP 26), nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại ròng) trong giai đoạn 2022 - 2040 vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội để bảo đảm “chuyển dịch công bằng” hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng “0” và có khả năng chống chịu với khí hậu. Với nhu cầu vốn khổng lồ này, vai trò của trái phiếu xanh rất quan trọng.
Muốn phát triển thị trường trái phiếu xanh, các chuyên gia kiến nghị, trước tiên, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.
Cùng với đó, cần thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu nói chung để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh, như đẩy mạnh cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung và cầu trái phiếu xanh, hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phân loại xanh, làm căn cứ để chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đối với các nội dung về mẫu biểu báo cáo đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh. Trong quá trình phát triển thị trường, tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan để cập nhật theo thông lệ quốc tế và thực trạng thị trường Việt Nam.
TS. Mai Thế Toản - Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung, để việc phát hành trái phiếu xanh thực sự đúng và trúng cần xây dựng được danh mục phân loại xanh theo chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Phải hình thành được hệ thống xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Việc xây dựng danh mục phân loại xanh phải gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu. Đồng thời, phải chuẩn hóa và đưa ra định nghĩa chính thức về các khái niệm như “phân loại xanh”, giảm thiểu biến đổi khí hậu, ông Toản lưu ý.