Cổ phiếu lại sàn “la liệt”, VN-Index về đáy mới
Dù không phải là một ngày giao dịch có nhiều thông tin ảnh hưởng, thị trường vẫn tiếp tục cắm đầu lao dốc trong phiên ngày 15/11 khi áp lực “call margin” diễn ra trên diện rộng. Có thời điểm tưởng chừng VN-Index thủng mốc 900 điểm, song dòng tiền bắt đáy gia tăng ở một số mã cổ phiếu vốn hoá lớn đã giúp cho chỉ số bật dậy, thu hẹp đà giảm điểm vào cuối phiên.
Khép phiên 15/11, chỉ số VN-Index giảm 29,14 điểm (-3,1%) xuống mức đáy mới 911,9 điểm. Trên cả ba sàn ghi nhận 383 mã giảm sàn, trong đó HOSE là 199 mã, HNX là 107 mã và UPCoM là 73 mã. Riêng trên HOSE có tới 181 mã hoàn toàn mất thanh khoản, trắng bên mua.
Dòng tiền vẫn “mất hút” với thanh khoản giảm sút, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 692,34 triệu đơn vị, đạt giá trị 9.797,2 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 10,87% về giá trị so với phiên hôm qua ngày 14/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 103,3 triệu đơn vị, giá trị 2.049 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index |
Ngoài NVL và PDR tiếp diễn chuỗi ngày chất bán giá sàn với khối lượng hàng chục triệu đơn vị, rổ VN30 phiên hôm nay có thêm 9 mã đóng cửa giảm hết biên độ là VPB, BVH, FPT, MBB, MWG, BID, GVR, PLX, POW. Ở chiều ngược lại, HPG, MSN, TPB và VIC là những mã hiếm hoi giữ được sắc xanh.
Điểm sáng le lói trong phiên là khối ngoại vẫn kiên trì mua ròng hơn 1.176,1 tỷ đồng trên HOSE, 20 tỷ đồng trên HNX và 10,2 tỷ đồng trên UPCoM. Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua mạnh nhất ở STB, HPG, SSI. Quy mô giải ngân của dòng vốn ngoại chiếm tới gần một nửa tổng giao dịch của HOSE. Ngày 15/11 cũng là phiên mua ròng thứ bảy liên tiếp của khối ngoại. Không có lượng tiền lớn từ khối này 3 phiên gần đây, thị trường có thể đã rớt sâu hơn.
Tính trong 4 phiên vừa qua, chỉ số VN-Index đã giảm 74 điểm (tương đương gần 7,5%), trong khi HNX-Index lao dốc 12.72%. Với mức giảm này, hai chỉ số của Việt Nam đang nằm trong top những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.
Tính từ đầu năm, chỉ số chính sàn HOSE giảm gần 614 điểm, tương ứng giảm hơn 39%, trong khi đó HNX-Index ghi nhận giảm đến 63%.
Với việc VN-Index đã giảm hơn 39% trong năm nay, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Theo SGI Capital, đợt giảm điểm này đã đưa VN-Index về mức định giá của các lần kinh tế Việt Nam có khủng hoảng trong quá khứ, phản ánh những rủi ro rất lớn về thanh khoản mà khối doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải trải qua.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tiếp nối tín hiệu cầu giá cao thận trọng kèm diễn biến “giải chấp” chưa thuyên giảm, đã khiến thị trường tiếp tục xu thế giảm điểm.
Tạm thời cần lưu ý áp lực “giải chấp” vẫn còn tồn đọng tại nhiều cổ phiếu, điều này sẽ gây sức ép lên thị trường khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo. Nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng trước áp lực “giải chấp” đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị, đối với nhà giao dịch chứng khoán, cần duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, quan sát những cổ phiếu đang giữ vững được vùng hỗ trợ để tìm cơ hội. Đối với nhà đầu tư tích sản, chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn và duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư định kỳ.