"Chìa khóa" chiến thắng "giặc nghèo", xây “giấc mơ” an cư
Ở Bình Phước, những ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là "bệ phóng" cho những ước mơ. Những mái nhà dột nát, bức tường xiêu vẹo giờ đây đã nhường chỗ cho các căn nhà khang trang, vững chãi. Đó không chỉ là sự thay đổi về vật chất, mà còn là sự "lột xác" về tinh thần, là "liều thuốc" tiếp thêm sức mạnh cho những hộ gia đình còn khó khăn.
An cư không còn là giấc mơ
Như một giấc mơ là cảm nhận chung của hầu hết hộ nghèo khi đón nhận nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Từ căn nhà tạm bợ, dột nát, nay những hộ nghèo đã có mái ấm khang trang, kiên cố. Đó là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng. Hàng trăm ngôi nhà "Đại đoàn kết" được dựng xây không chỉ mang đến niềm vui, sự ổn định mà còn là động lực để bà con vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhiều căn nhà được khởi công xây dựng, góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững |
Gia đình chị Phan Thị Ngọc Anh ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 của xã. Vốn đông con, lại trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, việc có một mái nhà kiên cố là niềm mơ ước bấy lâu của gia đình chị.
Chị Ngọc Anh chia sẻ: “Sau khi gia đình được xét chọn xây dựng nhà đại đoàn kết, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn vị thi công, quá trình xây dựng diễn ra rất thuận lợi. Căn nhà là niềm mơ ước của gia đình lâu nay. Có chỗ ở ổn định, không còn sợ mưa nắng nữa, sau này gia đình chỉ tập trung phát triển kinh tế, lo cho các con ăn học”.
Chị Đỗ Thị Mai Hương ở ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú phải gồng gánh nuôi 3 con đang tuổi ăn học và người chồng bệnh tật. Một mình chị là trụ cột kinh tế của gia đình. Thấu hiểu nỗi vất vả ấy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã trao tặng chị 80 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mơ ước. Không chỉ vậy, huyện còn hỗ trợ thêm một con bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng từ Quỹ "Vì người nghèo".
Có được mái ấm khang trang và nguồn sinh kế ổn định, chị Hương yên tâm làm việc, tăng thu nhập. Nhờ đó, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, viết nên câu chuyện đẹp về nghị lực và sự sẻ chia.
Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các hộ gia đình thụ hưởng đóng góp thêm” để xây dựng căn nhà thêm khang trang, vững chắc, giai đoạn 2019 - 2023, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ xây dựng 5.071 căn nhà đại đoàn kết, trị giá gần 313 tỷ đồng, cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Với quyết tâm cao, trong 5 năm (2019 - 2024), tuổi trẻ Bình Phước đã thực hiện được hơn 70 căn nhà thanh niên |
Thông tin từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước về kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ước thực hiện đến hết tháng 2/2025, theo đó, đối với người có công với cách mạng, đã thực hiện xây mới và sửa chữa 15 căn từ nguồn vận động (xây mới 12, sửa chữa 3) và sửa chữa 1 căn từ nguồn ngân sách.
Đối với nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã hỗ trợ 516 căn với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng (trước ngày 15/12/2024 đã hỗ trợ 310 căn trị giá 24 tỷ 80 triệu đồng; đến ngày 31/12/2024 tiếp tục hỗ trợ xây mới 206 căn với tổng kinh phí 16,4 tỷ đồng).
Trợ lực trong hành trình thoát nghèo
Trên tinh thần chỉ đạo mạnh mẽ từ Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 22/1/2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh và các văn bản liên quan của UBND tỉnh, Bình Phước đang sục sôi khí thế, quyết tâm thực hiện thắng lợi phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" năm 2025. Không chỉ là chương trình hành động, đây còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; là sự chung tay của cả cộng đồng để kiến tạo nên những "mái ấm an cư", dựng xây tương lai tươi sáng cho những phận đời còn nhiều gian truân.
Qua quá trình rà soát, khảo sát kỹ lưỡng, Bình Phước đã xác định 835 hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, cần được hỗ trợ về nhà ở. Trong đó, có 558 hộ cần xây mới hoàn toàn và 277 hộ cần sửa chữa, nâng cấp.
Đây là những gia đình nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Mỗi căn nhà xây mới sẽ được hỗ trợ 80 triệu đồng, căn nhà sửa chữa được hỗ trợ 40 triệu đồng, tổng kinh phí dự kiến lên đến gần 56 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Phước đã và đang triển khai hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng khó khăn bằng nhiều hình thức hiệu quả |
Việc triển khai đang diễn ra khẩn trương với mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Trong tháng 3, Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các đợt giám sát tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá tiến độ thực hiện, kiểm tra tình trạng sử dụng nguồn lực và giải ngân kinh phí, cũng như xử lý các vấn đề đất đai liên quan.
Chương trình nhận được sự ủng hộ, chung tay góp sức từ nhiều nguồn lực khác nhau, từ ngân sách địa phương đến nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên. Các Ban, Sở, ngành như Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng cũng vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, thủ tục pháp lý, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thuộc diện đặc thù như nằm trong vùng quy hoạch bô-xít hoặc đất lâm phần.
Tuy nhiên, trên hành trình đầy ý nghĩa này, Bình Phước vẫn phải đối mặt với một số thách thức như sự chậm trễ trong việc tổng hợp danh sách, điều chỉnh đối tượng thụ hưởng và vướng mắc về quỹ đất. Một số địa phương chưa hoàn thành việc chuyển kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên về Quỹ "Vì người nghèo". Để vượt qua những khó khăn này, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc và tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Bình Phước quyết tâm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trước giữa năm 2025 |
Trước đó, tại buổi họp về công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh yêu cầu các địa phương đánh giá đúng thực trạng, đúng đối tượng cần hỗ trợ, tổ chức tuyên truyền, vận động để hộ được thụ hưởng nắm rõ chính sách, có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Đối với định mức xây dựng, sửa chữa nhà, bên cạnh những quy định chung của Nhà nước, các Ban, ngành, đoàn thể, địa phương phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhằm huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hộ dân. Ngoài ra, các thiết kế về nhà ở phải vừa đảm bảo gắn với phong tục tập quán của đối tượng thụ hưởng, vừa đảm bảo điều kiện về sinh hoạt, vệ sinh môi trường...
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Bình Phước đang từng bước hiện thực hóa khát vọng kiến tạo những "mái ấm an cư", mang lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân. Chương trình không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là sự lan tỏa của tình yêu thương, trách nhiệm, góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững và xây dựng một cộng đồng Bình Phước ngày càng văn minh, giàu đẹp.