A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển

Kinh tế tư nhân đã và đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước (số liệu năm 2023). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ngày 20/3, Báo Người Lao động tổ chức Toạ đàm “Giải pháp thức đẩy phát triển kinh tế tư nhân” hướng đến tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Tọa đàm tập trung vào góp ý, giải quyết vấn đề trọng tâm như: Tình hình phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam; đánh giá các chính sách hiện tại và những hạn chế trong việc phát triển khu vực này; những điểm cần cải cách trong hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính hiện nay; chính sách thuế, tín dụng và các ưu đãi tài chính có thực sự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tư nhân?...

Các chuyên gia góp mặt tại buổi toạ đàm (Ảnh: Hoàng Triều
Các chuyên gia góp mặt tại buổi toạ đàm (Ảnh: Hoàng Triều)

Xây dựng thể chế mới, học tập nước ngoài để thức đẩy doanh nghiệp tư nhân

GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore nhìn nhận, kinh tế tư nhân nói riêng và các thành phần kinh tế nói chung đang gặp phải nhiều hạn chế về thể chế, gây ra những điểm nghẽn nghiêm trọng. Nhiều quy định hiện hành có vẻ như cho phép doanh nghiệp tư nhân tồn tại nhưng lại không tạo điều kiện cho phát triển, khiến nền kinh tế khó có bước đột phá.

GS.TS Vũ Minh Khương kiến nghị TP Hồ Chí Minh cần rà soát các điểm nghẽn trong từng ngành, từ đó tạo đột phá tương tự như khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp trước đây.

Ví như, thành phố nên lập bản đồ cải biến các ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng đột phá, nâng cao năng suất, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế…

"Để khai phá tiềm năng kinh tế to lớn, TP Hồ Chí Minh nên cử một nhóm chuyên gia, phối hợp cùng các cơ quan trung ương, sang Singapore học hỏi kinh nghiệm quản lý. Nếu học theo Singapore, đầu tư những khoản hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, có thể mở ra cánh cửa cho hàng tỷ USD lợi nhuận”, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore đề xuất.

(GS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore đóng góp ý kiến theo hình thức trực tuyến, 2)
GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore đóng góp ý kiến theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Hoàng Triều)

Nhấn mạnh thêm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, quan trọng nhất là TP Hồ Chí Minh cần xây dựng một hệ thống thể chế mới, cần có bổ sung, điều chỉnh thêm để phù hợp với bối cảnh mới. Các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng cần được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ngoài ra, theo vị này, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp tiên phong cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp vào nghị quyết phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công cho rằng, trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế tư nhân là Nhà nước cần chọn lọc các lĩnh vực và công trình ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng huy động và phân bổ nguồn lực. Việc đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm phải được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, công khai và có giới hạn phạm vi cụ thể.

Đồng thời, Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh và đồng bộ hóa các luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Luật Hợp tác công - tư và Luật Đấu thầu… nhằm tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và nhất quán cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp được đặt hàng như ưu đãi về tiếp cận nguồn lực, bao gồm vốn, đất đai, lao động; chính sách ưu đãi về thuế; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án…”, ông Việt nói.

(TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công đề xuất ban hành các chính sách để doanh nghiệp đặt hàng, 3)
TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công đề xuất ban hành các chính sách để doanh nghiệp đặt hàng (Ảnh: Hoàng Triều)

Doanh nghiệp cần chính sách mới để phát triển

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp đầu ngành. Vừa qua, các tổng công ty nhà nước dù mạnh nhưng rất khó khi chuyển sang cơ chế thị trường, không giữ được cán bộ giỏi do chính sách tiền lương hạn chế, dẫn đến khó phát triển.

"Công ty chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhà khoa học vì khó chứng minh hiệu quả công việc so với các nhóm lao động khác. Chúng tôi cũng phải "lách" để có thể thực hiện được việc này", ông Nam nói.

Ông Nam nhìn nhận, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành sẽ hỗ trợ lớn cho số đông người lao động và hàng triệu nông dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, vì chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy cơ phá sản, tương tự như ở Singapore.

Tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (Ảnh: Hoàng Triều)

Còn theo ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Nhà nước cần mở rộng con đường thể chế cho doanh nghiệp, tăng cường các nguồn đầu tư, thúc đẩy dòng vốn, đồng thời nâng cao trình độ của các "tay lái" (tức là các doanh nghiệp tư nhân). Đồng thời, cũng cần chuyển từ "đường quốc lộ" thành "cao tốc" để doanh nghiệp tư nhân có thể bứt phá, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

"Muốn khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, cần có các chương trình đào tạo nâng cao để giúp doanh nghiệp tư nhân vươn tầm. Bởi ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện tại cũng chỉ đang ở mức trung bình của thế giới, cần vượt qua bẫy trung bình, để trong kỷ nguyên vươn mình, hệ điều hành của nền kinh tế phải khác với kỷ nguyên đổi mới và khai phóng trước đây", ông Thông nhận định.

Tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển
Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) (Ảnh: Hoàng Triều)

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing mong muốn được tham gia vào quá trình đào tạo lao động theo yêu cầu mới, bao gồm cả lao động cho khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân.

“Các doanh nghiệp cũng cần có đội ngũ nhân sự tri thức phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Nếu các trường đào tạo tốt, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đào tạo sau này”, ông Đạt nói.

Phát biểu tổng kết, Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân tóm lược, đề xuất 10 nhóm giải pháp quan trọng và khả thi nhất nhằm phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Trong đó, chúng ta tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa; đơn giản hóa thủ tục cấp phép kinh doanh, đất đai, thuế, hải quan; đẩy mạnh số hóa và cắt giảm các quy định chồng chéo không cần thiết, nâng cao trách nhiệm của cán bộ thực thi, tránh nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cải thiện khả năng tiếp cận vốn và tài chính; mở rộng các kênh huy động vốn như thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm gánh nặng thuế và chi phí doanh, rà soát giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cơ sở đào tạo để cung ứng lao động phù hợp, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, hỗ trợ đào tạo lại lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu tổng kết (Ảnh: Hoàng Triều)
Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu tổng kết (Ảnh: Hoàng Triều)

Đồng thời, Nhà nước cần mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu, hình thành các trung tâm xúc tiến thương mại kết nối cung cầu trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; cải thiện môi trường pháp lý, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp tư nhân; phát triển hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng số như đầu tư mạnh vào giao thông, logistics, viễn thông, hạ tầng số, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, khuyến khích hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng.

"Xây dựng hệ sinh thái, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và cả doanh nghiệp FDI; xây dựng các hiệp hội ngành nghề mạnh, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp tư nhân", Tổng Biên tập Tô Đình Tuân phát biểu.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết