A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tuần lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam chính thức khởi động

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 29/11/2023 gồm các thông tin thị trường hàng hoá, xuất nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam; Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường dịp Tết; Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỷ USD sang Nhật Bản; Tuần lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam chính thức khởi động; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 14,8%

Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam

undefined
Trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn, trị giá 451,4 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 121,7 nghìn tấn. Thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc 10 tháng đầu năm 2023 giảm xuống còn 13,4% từ mức 14,1% của 10 tháng đầu năm 2022.

Trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn. Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 4,873 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc, Nga và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023. Trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng, Hàn Quốc giảm mua từ Nga và Trung Quốc.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc những tháng cuối năm 2023 và tháng 1/2024 sẽ dần phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ đón năm mới tăng lên.

Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường dịp Tết

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng giả, hàng cấm... có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường vừa ký ban hành kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cụ thể, Kế hoạch được triển khai bắt đầu từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong nội địa, yêu cầu tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng và Cục Quản lý thị trường các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ. Tăng cường thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử...

Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỷ USD sang Nhật Bản

Tính đến hết tháng 10/2023, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,223 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, còn hai nhóm hàng có kim ngạch “tỷ đô” là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, giảm khoảng 250 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022; sắt thép các loại đạt 1,23 tỷ USD, giảm khoảng 270 triệu USD.

Thống kê đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỷ USD sang Nhật Bản. So với các đối tác lớn khác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ở mức khá cân bằng.

Tuần lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam chính thức khởi động

undefined
Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 3/12/2023

Hai sự kiện thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia (từ ngày 27-11 đến ngày 3-12-2023) và chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - OnlineFriday 2023 (từ 0 giờ ngày 1-12 đến 12 giờ ngày 3-12-2023) đã chính thức diễn ra.

Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 3/12/2023. Đặc biệt 60 giờ “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - OnlineFriday 2023” diễn ra từ 0 giờ ngày 2/12 đến 12 giờ ngày 3/12/2023.

Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại 100%.

Nhân dịp này, nhiều doanh nghiệp đã đăng tải banner, quảng bá sự kiện tới đông đảo người dùng tại Việt Nam. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử tung ra những chương trình khuyến mãi đặc biệt dành riêng cho sự kiện. Từ năm 2020, mã giảm giá toàn quốc "MUASAMVIETNAM" đã được hàng trăm các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố tham gia hưởng ứng.

Năm nay, tuần lễ điện tử thương mại quốc gia có rất nhiều hoạt động như hội thảo trực tiếp và trực tuyến với chủ đề về thương mại điện tử, công nghệ số, các hoạt động tương tác với người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến…

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 14,8%

Tính đến 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng. Cụ thể, có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đầu tư mới tuy giảm 11,6 điểm % so với 10 tháng 2023 do tháng 11 không có nhiều dự án đầu tư lớn như trong tháng 10, song vẫn duy trì được mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ

Có 3.166 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ.


Tác giả: Thực hiện Thu Trang - Nhật khôi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết