A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Em yêu biển, đảo quê hương - một cuộc thi nhiều ý nghĩa

​Thực hiện chương trình ký kết giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam và Ban Thường vụ các địa phương về phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, những năm qua, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9 tổ chức thành công cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”.

Những ngày đầu năm 2023, được chứng kiến vòng chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức chúng tôi chứng kiến được sự sôi nổi, hào hứng cũng như ý nghĩa thiết thực của cuộc thi.

Tham gia vòng chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại Sóc Trăng gồm 100 học sinh đạt kết quả cao nhất của các trường trung học cơ sở (THCS) sau vòng 1 cuộc thi gồm: Trường Tiểu học và THCS Lý Thường Kiệt; THCS Dương Kỳ Hiệp; THCS Lê Hồng Phong; THCS Lê Quý Đôn; THCS Lê Vĩnh Hòa; THCS Tôn Đức Thắng; Tiểu học và THCS Dục Anh. Trước đó, tại vòng 1, các thí sinh đã tham gia trả lời những câu hỏi trắc nghiệm theo hình thức trực tuyến của cuộc thi.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng Cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương". 

Theo Đại tá Lê Văn Tú, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam là một quốc gia ven biển, có chiều dài bờ biển hơn 3.260km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2; biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, do vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. “Chính vì vậy, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về biển, đảo; các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến chủ quyền, an ninh biển đảo, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam... Qua cuộc thi, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường đoàn kết quân dân, củng cố lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, tiếp tục đề cao trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc”, Đại tá Lê Văn Tú cho biết.

Cuộc thi sôi nổi ngay từ những câu hỏi đầu tiên. 
Các thí sinh và khán giả tham gia cuộc thi. 

Vòng thi chung kết được tổ chức trực tiếp, hình thức thi đối kháng theo kịch bản Gameshow “Rung chuông vàng”. Mỗi thí sinh tham gia phải trả lời các câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm, hoặc chọn một đáp án đúng nhất trong các phương án đưa ra; điền từ còn thiếu vào chỗ trống… Khi Ban giám khảo đưa ra câu hỏi, các em lựa chọn một phương án rồi ghi vào bảng. Ai trả lời sai sẽ bị loại. Sau các câu hỏi thứ 5, 10, 15 sẽ có phần “Giải cứu”, là các trò chơi vận động do cán bộ, chiến sĩ của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và các thầy, cô giáo thực hiện. Số lượng học sinh được quay trở lại thi đấu tùy thuộc vào kết quả “Giải cứu” qua các trò chơi vận động. Từ câu hỏi thứ 16 trở đi sẽ không còn “Giải cứu” và các thí sinh sẽ thi đấu đến khi tìm ra người đoạt giải Nhất.

Thầy Nguyễn Hiếu Hải An, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Nội dung cuộc thi rất đa dạng, ý nghĩa, đặc biệt là các kiến thức về biển, đảo Việt Nam; Luật Phòng, chống tội phạm ma túy và những tác hại của ma túy đối với học đường; những nội dung về phòng, chống bạo lực học đường; về lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc và địa phương trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bên cạnh xây dựng lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, qua cuộc thi này đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ với các em học sinh, đoàn viên thanh niên, thầy cô giáo và nhân dân địa phương; bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng công tác đoàn cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên giữa hai đơn vị”.

Em Trần Thái Bảo Ngọc, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong - đoạt giải Nhất cuộc thi phấn khởi nói: “Em nghĩ không phải riêng mình em, mà 99 bạn khác cũng như rất nhiều người đều là những người giành chiến thắng. Cuộc thi đã cho chúng em rất nhiều kiến thức bổ ích, tìm hiểu kiến thức về biển, đảo của Tổ quốc, lịch sử địa phương. Em cảm thấy rất vui và tự hào”.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trao giải nhất cho em Trần Thái Bảo Ngọc, Trường THCS Lê Hồng Phong.

Tặng học bổng và xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. 

Theo Đại tá Trịnh Ngọc Thắng, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, được tổ chức từ năm 2017, đến nay đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 13 Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” với hàng nghìn lượt học sinh THCS trên địa bàn tham gia. Với nhiều hình thức sáng tạo, thực tiễn, cuộc thi đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và các địa phương. Ở mỗi cuộc thi, đơn vị còn tổ chức tặng học bổng và xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 sẽ đẩy mạnh phối hợp cùng các địa phương tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” ngày càng chất lượng, hiệu quả; thường xuyên cập nhật nội dung, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức cuộc thi, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, độ tuổi cụ thể. Thông qua cuộc thi đã góp phần hun đúc, xây dựng tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo quê hương và ý thức, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc”, Đại tá Trịnh Ngọc Thắng khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết