A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Dấu ấn bộ đội thời bình - 30 năm Bộ đội Cụ Hồ đi làm ngân hàng

Năm 2024, kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời đánh dấu Ngân hàng Quân đội (MB) tròn 30 tuổi (4-11-1994 / 4-11-2024). Điều gì khiến một ngân hàng của Bộ đội Cụ Hồ với 20 tỷ đồng vốn điều lệ và 25 nhân sự ban đầu lại có thể trụ vững, vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, vươn tầm vị thế những ngân hàng hàng đầu Việt Nam?

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Đại tá Lưu Trung Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB về hành trình phát triển và vươn tầm trong gần 3 thập kỷ của định chế tài chính này.

Từ “Điện Biên Phủ”, MB ra đời

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sự ra đời của MB đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới, hội nhập của lực lượng vũ trang, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí có thể kể lại khởi nguồn của cuộc hành trình ấy?

 Đại tá Lưu Trung Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB. Ảnh do MB cung cấp

Đại tá Lưu Trung Thái: Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, toàn quân có hơn 300 doanh nghiệp làm kinh tế. Câu hỏi đặt ra khi đó là làm sao để có nguồn vốn giúp doanh nghiệp Quân đội phát triển sản xuất, kinh doanh? Bất cập về tình trạng thiếu, thừa vốn ở các doanh nghiệp Quân đội đòi hỏi cần phải có một tổ chức tín dụng đủ tư cách pháp nhân để thu hút, tập trung điều hòa nguồn vốn thông qua các cơ chế tiền tệ, tín dụng và thanh toán phù hợp, bảo đảm nhanh chóng, bảo mật và đúng luật. Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu mô hình tại một số nước, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đồng thuận rất cao về sự cần thiết thành lập Ngân hàng Quân đội để báo cáo Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng. Cuối tháng 5-1993, Hội nghị vận động thành lập Ngân hàng Quân đội được tổ chức, 24 doanh nghiệp đã tự nguyện tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Quân đội với tổng số vốn đăng ký là 18,23 tỷ đồng. Số cổ đông còn lại là các thể nhân góp vốn tham gia... Ngày 4-11-1994, Ngân hàng Quân đội khai trương và đi vào hoạt động tại trụ sở 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

PV: Tính đến năm 2024 là gần 40 năm đất nước đổi mới. Trong chặng đường ấy có 30 năm của MB với nhiều khó khăn và không ít vinh quang. Vào thời điểm ngặt nghèo, những người lính làm ngân hàng đã vượt qua ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Lưu Trung Thái: Từ khi thành lập đến nay, MB đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng từ những sự kiện lớn như khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á từ năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giai đoạn 2016-2021. Hay gần đây là đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine đi kèm với Mỹ và châu Âu tăng cường các biện pháp cấm vận Nga. Đặc biệt là các thách thức và cơ hội khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0. Đối mặt với những thách thức đó, MB đã xây dựng chiến lược từng giai đoạn phù hợp; đội ngũ MB được tăng cường và củng cố, kỷ luật, bám sát chiến lược Hội đồng quản trị đã đặt ra. Trong đó, MB chú trọng củng cố tổ chức, đoàn kết, thực thi nhanh, tập trung tạo ra các giá trị mới cho khách hàng, linh hoạt trong điều hành kinh doanh, thượng tôn pháp luật, củng cố năng lực tài chính và bảo đảm hoạt động hiệu quả của hệ thống trong mọi tình huống.

Nhân viên MB tận tâm tư vấn cho khách hàng. Ảnh: TUẤN HUY

Nhờ đó, kết quả kinh doanh của MB đều có lãi, tăng trưởng liên tục và tăng dần qua từng năm, là ngân hàng duy nhất trả cổ tức đều đặn cho cổ đông hằng năm, bảo đảm lợi ích cho khách hàng ngay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức.

Tiên phong trên mặt trận kinh tế

PV: Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, MB được biết đến như một trong những doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ nhất của nền kinh tế. Vì sao MB lại chọn và quyết liệt với “mũi tiến công” này đến vậy, thưa đồng chí?

 Đại tá Lưu Trung Thái: Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ mà quan trọng là về tư tưởng mà mô hình kinh doanh và khách hàng, giúp mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu. Trong nội bộ, chuyển đổi số giúp tăng năng suất, giảm chi phí và mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài những giá trị truyền thống vốn có. Bên cạnh đó, MB mong muốn chung tay cùng Chính phủ, ngành ngân hàng và các doanh nghiệp đối tác đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần xây dựng hình ảnh ngân hàng Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp, hiệu quả, vững vàng tiến bước để cạnh tranh và hội nhập.

Ý thức sâu sắc được vấn đề này, năm 2017, Hội đồng quản trị MB chính thức đưa chuyển đổi số trở thành một mục tiêu chiến lược và ngân hàng đã tập trung đầu tư bài bản cho chuyển đổi số trong khoảng 5 năm gần đây, phấn đấu hiện thực hóa tầm nhìn “Trở thành doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu”. Quá trình chuyển đổi số không hề dễ dàng, tuy nhiên một khi đã thành công thì những lợi thế đạt được là rất lớn. Đó là lý do tại sao MB quyết liệt với “mũi tiến công” này đến vậy.

PV: Đồng chí có thể khắc họa hành trình chuyển đổi số của MB từ năm 2017 đến nay qua một vài con số cụ thể?

 Đại tá Lưu Trung Thái: Những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, lũy kế đến năm 2023 đạt 26,5 triệu khách hàng, tăng gấp 8 lần so với năm 2017 và là ngân hàng có số lượng khách hàng lớn nhất Việt Nam. Đến tháng 11-2023, 1,6 tỷ giao dịch được thực hiện trên kênh số, chiếm 96% tổng số giao dịch; MB là ngân hàng có quy mô giao dịch qua Napas số 1 thị trường.

Trong 5 năm qua, doanh thu của MB tăng trưởng bình quân 18-20%/năm, lợi nhuận có năm tăng đến 35%. Trong khi đó, MB gần như không tăng về quy mô chi nhánh và nhân viên. Nói cách khác, hiệu quả về mặt đầu tư và năng suất lao động của ngân hàng tăng lên rõ rệt. Quy mô ngân hàng đến cuối năm 2023 đã đạt tổng tài sản xấp xỉ 950 nghìn tỷ đồng và gần 650 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, đóng góp xấp xỉ 7.700 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Chúng tôi xác định các nền tảng số sẽ đóng góp khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong vòng 4 năm nữa. Hiện nay, sau khoảng 4 năm triển khai chiến lược này thì doanh thu trên nền tảng số đã đạt 20%.

Ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay

PV: Bên cạnh phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ thì ở MB cũng đã xây dựng, hình thành những nét văn hóa riêng của “người MB”, đồng chí có thể chia sẻ về những giá trị đặc trưng này?

 Đại tá Lưu Trung Thái: Trong gần 30 năm, trước những thay đổi liên tục của kinh tế-xã hội, văn hóa MB là nền tảng giúp MB vững bước trên hành trình triển khai Chiến lược phát triển bền vững. Tại MB, 6 giá trị cốt lõi là: Đoàn kết-kỷ luật-tận tâm-thực thi-tin cậy-hiệu quả được hun đúc qua từng thời kỳ đã giúp ngân hàng đứng vững và vươn lên trong mọi hoàn cảnh thương trường. MB đã tạo cho mình văn hóa “phục vụ” được xây đắp trên nền tảng nghĩa tình đồng đội của Bộ đội Cụ Hồ, luôn đoàn kết, chủ động và tận tâm vì nhiệm vụ. Những giá trị văn hóa đó đã tạo ra sức hút đặc biệt đối với khách hàng và đối tác, giúp họ tin tưởng hơn vào thương hiệu MB. Hơn 5 năm qua, MB đã đầu tư mạnh mẽ cho số hóa, từng bước hình thành “gen chuyển đổi số” trong nội tại. Đội ngũ MB luôn nỗ lực cao nhất để thích ứng nhanh với thời đại kỹ thuật số 4.0, đưa MB hiện thực hóa mục tiêu chiến lược là doanh nghiệp số-doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số-doanh nghiệp không giấy tờ. Tinh thần thử nghiệm, văn hóa số được lan tỏa đến đông đảo cán bộ, nhân viên. Mọi cá nhân đều được khuyến khích và hỗ trợ học tập, phát triển không ngừng, với thông điệp là “ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”.

PV: MB đang hướng tới trở thành doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu... Vậy đồng chí kỳ vọng như thế nào về thế hệ trẻ tại MB trong hành trình hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược này?

 Đại tá Lưu Trung Thái: Tôi luôn tin tưởng và đặt niềm tin rất lớn vào lớp trẻ tại MB. Họ là những người vừa thấm nhuần các giá trị văn hóa cốt lõi của MB, vừa năng động, trẻ trung, không ngại thách thức, vừa mang tư duy đổi mới, sáng tạo của thế hệ trẻ. Trong một môi trường làm việc vui vẻ, cởi mở, luôn chào đón những ý tưởng mới mẻ, táo bạo của MB, tôi mong rằng những người trẻ sẽ viết tiếp câu chuyện làm kinh tế tại đây và kiên định trước mọi thách thức, không ngừng học hỏi, đổi mới để dẫn dắt MB trở thành doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu.

Cao cả một tinh thần phụng sự

PV: MB được biết đến không chỉ là một ngân hàng thương mại cổ phần tốp đầu trong hiệu quả kinh doanh mà còn được khách hàng yêu quý, tin tưởng vì những đầu tư cộng đồng như: App thiện nguyện, tài khoản 4 số miễn phí, dự án HiGreen biến bãi rác thành sân chơi... Đồng chí hãy chia sẻ thêm về tinh thần phụng sự này của MB?

 Đại tá Lưu Trung Thái: Như đã chia sẻ, MB quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ nên các sản phẩm của MB hướng đến tăng trải nghiệm khách hàng, đề cao áp dụng tiêu chí ESG(1), góp phần thay đổi tích cực đến xã hội và kinh tế. Theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, MB đã nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường-xã hội, hướng tới mục tiêu về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, thực hiện phương châm kinh doanh có trách nhiệm-hướng đến cung cấp các dịch vụ tín dụng và thanh toán trong các lĩnh vực thân thiện với môi trường. Để góp sức với Chính phủ trong minh bạch hóa hoạt động thiện nguyện, MB đã phát triển, ứng dụng công nghệ vào giải pháp tài khoản ngân hàng thiện nguyện và ứng dụng thiện nguyện. Hơn 3.300 mục tiêu gây quỹ đã được khởi tạo trên App thiện nguyện với tổng số tiền ủng hộ qua nền tảng đạt hơn 447 tỷ đồng với 1,4 triệu người tham gia.

Năm 2023, hướng tới kỷ niệm 30 năm MB (1994-2024), chúng tôi đã phát động chiến dịch chạy bộ HiGreen-Bình minh xanh. Đây là chiến dịch nằm trong chiến lược ESG nhằm truyền tải thông điệp “sống bền vững, quan tâm tới môi trường và cộng đồng” đến hơn 26 triệu khách hàng và xã hội. Chúng tôi quan niệm rằng thành công thực sự trong kinh doanh chỉ đến khi nó đi đôi với những đóng góp ý nghĩa, tích cực vào cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí, chúc đồng chí cùng MB bước vào tuổi 30 phát triển rực rỡ và bền vững hơn!

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện) 

(1) ESG là cụm từ viết tắt: E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp) - một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết