Quản lý tài sản hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp?
Doanh nghiệp (DN) phải lập hồ sơ tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để theo dõi quản lý theo quy định pháp luật và không được tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 67/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi DN trích lập và sử dụng Quỹ phát triển Kh&CN của DN, DN phải lập hồ sơ tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ để theo dõi quản lý theo quy định pháp luật và không được tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, tài sản cố định hình thành để phục vụ hoạt động nghiên cứu Kh&CN của DN;
Thứ hai, mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của DN theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động Kh&CN;
Thứ ba, mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong 02 năm (năm 2022 và năm 2023) theo nội dung nêu tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các tài sản cố định đã được đầu tư từ nguồn Quỹ, nếu DN có thực hiện sửa chữa, nâng cấp thì tiếp tục sử dụng nguồn Quỹ của DN để chi trả.
Trường hợp tài sản cố định đã được hình thành từ nguồn Quỹ để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu Kh&CN chưa hết hao mòn, nếu chuyển giao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thì phần giá trị còn lại của tài sản cố định tính vào thu nhập khác và phần giá trị còn lại của tài sản cố định đó được trích khấu hao, tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp tài sản cố định đã được hình thành từ nguồn Quỹ chưa hết hao mòn vừa dùng cho hoạt động nghiên cứu Kh&CN, đồng thời dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì DN tiếp tục theo dõi quản lý theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp tài sản cố định được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ Kh&CN của DN, sau đó được chuyển giao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì giá trị của tài sản cố định tính vào thu nhập khác và giá trị của tài sản cố định đó được trích khấu hao, tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp tài sản cố định được mua từ nguồn Quỹ có thực hiện điều chuyển tài sản này, thì DN phải xác định giá trị còn lại để điều chỉnh tăng, giảm nguồn Quỹ khi điều chuyển tài sản.
Đối với tài sản cố định đang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển sang dùng cho hoạt động nghiên cứu Kh&CN, DN xác định giá trị còn lại của tài sản cố định để chi mua tài sản cố định từ nguồn Quỹ và theo dõi tài sản cố định theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Các trường hợp thanh lý tài sản phục vụ cho hoạt động Kh&CN của DN thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với các tài sản khác, DN phải tổ chức quản lý theo dõi theo quy định, đảm bảo sử dụng đúng mục đích.