YouTuber với danh mục đầu tư "đẹp như mơ": Mua nhà đang trở thành gánh nặng, đừng tự đeo gông đó vào người!
Cùng lắng nghe chia sẻ về chuyện đầu tư tài chính, mua nhà - thuê nhà cùng Sophie.
Sophie là một nữ YouTuber/ TikToker sở hữu kênh Clever Girls khá nổi trong cộng đồng đầu tư tài chính thời gian gần đây. Những video của cô đều chia sẻ các kiến thức về đầu tư cũng như các lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ trên chặng đường đầu tư tài chính. Hiện Sophie đang làm việc tại 1 công ty Fintech của nước ngoài tại Việt Nam.
Mới đầu năm nay, Sophie đã tổng kết lại kết quả quá trình đầu tư của bản thân trong suốt một năm và gây bất ngờ cho người theo dõi với danh mục đầu tư đẹp như mơ , trong đó danh mục đầu tư chứng khoán của cô nàng cũng đạt hơn 136%, có vài mã thậm chí tăng gấp 2 lần.
Được biết Sophie vừa là một YouTuber về đầu tư tài chính vừa là một nhà đầu tư, vậy hiện tại bạn đã đầu tư cho những hình thức nào? Theo bạn ưu nhược điểm của mỗi hình thức đầu tư đó là gì?
Thực tế thì kênh YouTube ngay từ ban đầu xuất phát từ mục đích đơn giản là chia sẻ hành trình xây dựng tài chính cá nhân của mình. Mình hy vọng mọi người tiếp cận kênh với tư duy là xây dựng và quản lý tài chính cá nhân nhiều hơn là đầu tư, vì đầu tư chỉ là một phần nhỏ trong quá trình quản lý tài chính cá nhân.
Mình đã, đang tham gia và tìm hiểu kha khá kênh đầu tư, để kể hết các kênh và ưu nhược điểm của từng kênh thì e rằng trong giới hạn một bài phỏng vấn như thế này sẽ không thể nói đầy đủ ý hết được. Nhưng để trả lời vắn tắt thì hiện tại mình tham gia một số kênh đầu tư phổ biến như Chứng chỉ quỹ, chứng khoán và Crypto.
Những người mới đầu tư thường có nỗi sợ mất tiền? Bạn thì sao?
Đầu tư là một phần của xây dựng tài chính cá nhân, nó là quá trình tìm hiểu xem làm sao để xây dựng hệ thống tiền bạc hoạt động tự động liên tục cho mình.
Mình chưa bao giờ nhìn vào công cuộc đầu tư là một canh bạc, hay trò game để sợ mất tiền. Khi bỏ tiền vào bất cứ đâu, mình luôn cố gắng tìm mọi cách để hiểu kênh này là gì, nó hoạt động như thế nào, cơ chế của nó ra sao, tính chất của nó như thế nào, làm sao mình có thể kiếm lời được từ đó? Một khi đã có một bức tranh rõ ràng trong đầu, mình sẽ có những kế hoạch bao gồm kế hoạch về vốn (phân bổ, vào vốn như thế nào, bao nhiêu), kế hoạch rủi ro (đa dạng hóa danh mục, phân bổ vốn, thời gian tham gia vào thị trường) cũng như kỳ vọng riêng cho từng kênh đầu tư.
Mình tiếp cận công cuộc đầu tư với tư duy mở, coi tổn thất trong ngắn hạn là chi phí cơ hội, học phí trên thị trường để có được những thành quả lớn hơn nhiều trong tương lai. Vậy nên có gì đâu phải sợ nhỉ? Mình chỉ sợ mình thiếu kiến thức, thiếu vốn để vụt mất cơ hội thôi.
Có bao giờ bạn mất tiền khi đi đầu tư? Lần thua lỗ đáng nhớ nhất của bạn là gì?
Những tổn thất trong ngắn hạn được mình kỳ vọng sẽ có sự bù đắp bằng thành quả lớn hơn trong tương lai, nên mình vẫn chưa cắt lỗ bao giờ nên không có lần mất tiền hay thua lỗ đáng nhớ. "Cách duy nhất để mất tiền vĩnh viễn chính là quyết định bán khi giá tụt dốc và lỡ mất cơ hội phục hồi" (trích sách Lập Kế hoạch Tài chính cá nhân).
Thuê nhà và mua nhà, đâu là sự lựa chọn của bạn ở thời điểm hiện tại? Vì sao?
Chắc chắn là thuê nhà.
Ở đây chúng ta sẽ tiếp cận việc căn nhà để ở - tức quan tâm đến trải nghiệm sống nhiều hơn, ví dụ như vị trí, không gian sống, cộng đồng dân cư... thì sẽ không quá đặt nặng chuyện sở hữu. Nếu chỉ vì thỏa mãn cảm giác được sở hữu mà với mình, vốn dĩ không đem đến nhiều lợi ích ngoài một cảm giác mơ hồ, một phần đến từ sự áp đặt của định kiến xã hội, thay vì xuất phát từ nhu cầu, tiện ích của cá nhân. Để rồi từ đó chấp nhận bỏ một khoản tiền rất lớn, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng gánh nợ đến 15, 20 thậm chí 30 năm, thì theo mình là không đáng. Sở hữu chỉ nên được đặt ra khi chi phí bỏ ra chiếm một phần vừa phải trong tổng tài sản của mình.
Còn nếu như coi đây là kênh đầu tư, mà đã nói là đầu tư thì phải tính tới tỷ suất sinh lợi, tính thanh khoản thì thú thật kênh bất động sản kém hấp dẫn hơn hẳn những kênh đầu tư khác. Vì vốn tham gia vào thị trường khá cao, tính thanh khoản thấp, tỷ suất sinh lợi không quá hấp dẫn lại thêm phần thông tin không rõ ràng, khó tìm hiểu, thủ tục mua bán phức tạp và có khả năng phát sinh nhiều chi phí.
Người Việt mình từ lâu đã gắn chặt với tư duy sở hữu, vô hình biến căn nhà trở thành gánh nặng nhiều hơn là nơi tận hưởng.
Với mức lương 10 triệu/ tháng, theo bạn phải làm sao để các bạn trẻ có thể mua nhà Sài Gòn?
Mua nhà không phải là đích đến hoặc mục tiêu mà các bạn nhất định phải đạt được. Mình không cổ vũ việc các bạn tự đeo gông tài chính - sở hữu căn nhà vào người.
Các bạn trẻ thường có ít vốn hoặc ít tiền. Nhiều bạn trẻ thắc mắc không biết cần có bao nhiêu tiền mới có thể đầu tư, và nên đầu tư vào đâu với số vốn thấp?
Việc các bạn bắt đầu quan trọng hơn chờ đủ tiền, đủ vốn để đầu tư. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tài chính cho phép các bạn đầu tư đa dạng kênh như chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi với mức vốn 50.000đ, thậm chí 10.000đ, vậy nên mình nghĩ điều duy nhất ngăn cản chính là các bạn chứ không phải rào cản về vốn.
Chỉ cần các bạn muốn, các bạn có thể đầu tư ngay, chứ không đợi đủ tiền.
Với sự phát triển của mạng xã hội, hàng loạt các kênh TikTok, YouTube tư vấn tài chính ra đời. Điều này có vẻ rất tốt vì nguồn kiến thức mở, nhưng đôi lúc cũng có nhiều rủi ro vì thông tin đó chưa được xác thực đúng sai. Liệu có cách nào để chọn lọc và theo dõi những kênh có uy tín không?
Mình biết hiện nay tài chính là một chủ đề hot, và cái gì hot cũng nhiều người tham gia vào, nhưng không đồng nghĩa với việc kênh nào cũng có chất lượng. Nếu các bạn lựa chọn sai nguồn thông tin dễ dẫn đến tổn thất, mình không nói đến tổn thất về tiền, mà lớn và nguy hiểm nhất là sự lệch lạc trong tư duy về tài chính nói chung và đầu tư nói riêng, và cái tiếp theo là lãng phí thời gian.
Bất cứ khi nào mình tiếp xúc với thông tin mới, mình hay tự đặt lại câu hỏi như thế này: Người/ nguồn thông tin này đang nói gì? Tại sao họ nói điều này? Họ dựa vào đâu mà nói điều đó? Nếu dựa vào kiến thức thì có kiểm chứng được kiến thức đó không? Nếu dựa vào kinh nghiệm thì kinh nghiệm của họ có đang liên quan tới điều họ đang nói không? Thái độ của họ với vấn đề này là như thế nào? Và động lực đằng sau của việc chia sẻ này?
Và tất nhiên không thể thiếu việc cố gắng tìm kiếm và kiểm chứng thông tin. Đặc biệt mình hay đi tìm đọc các góc nhìn khác nhau vì có nhiều thông tin thì mình mới có góc nhìn đa chiều, từ đó gạn lọc được kiến thức và có quan điểm của riêng mình.
Thực tế thì hiện tại hầu như nguồn kiến thức của mình đa số đến từ sách và trải nghiệm thực tế. Tức đọc sách, thực hành theo, có kinh nghiệm, rút ra bài học. Cứ như vậy mà lặp lại.
Hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã và đang dấn thân vào đầu tư tài chính, bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn ấy không?
Lời khuyên đầu tiên là các bạn phải hiểu rất rõ động lực đầu tư của mình là gì, nó không chỉ dừng lại ở chuyện đầu tư mà gắn liền với đó là quá trình xây dựng tài chính cá nhân. Một khi hiểu đủ rõ, động lực đủ mạnh, thì bạn sẽ tập trung vào con đường đầu tư của mình. Điều này sẽ rất khác với việc những bạn đầu tư theo trend hay nghe nói kênh này kênh kia kiếm tiền nhanh nên nhảy vào. Việc xây dựng tài chính cá nhân là việc cả đời.
Thứ ba là trước khi đầu tư vào đâu phải cố gắng hết sức tìm hiểu mọi thông tin, hiểu rất rõ kênh mình đang dấn thân vào như thế nào, kế hoạch của mình trên thị trường/ kênh này là như thế nào. Hiểu thật rõ, thật thông suốt rồi hãy đầu tư vào. Còn nếu còn lăn tăn, hay đầu tư vì nghe ai đó rủ, ai đó nói thì mình khuyên không nên.
Cuối cùng là chia sẻ chứ không hẳn là lời khuyên. Đầu tư với mình còn hơn cả việc giúp tiền đẻ ra tiền. Hành trình đầu tư cũng là quá trình giúp mình hiểu rõ bản thân hơn: tầm nhìn, tính cách, kỳ vọng, lòng tham của bản thân. Mỗi lần thị trường chao đảo, mỗi lần tham gia vào một kênh mới là một lần được hiểu mình hơn, và cũng là cơ hội để tự hoàn thiện từ đó trưởng thành hơn.
Cảm ơn vì những chia sẻ của bạn!
Ảnh: NVCC