Vẫn hát như người lính Trường Sơn thuở nào
Tên tuổi Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Đức đã trở thành một trong những biểu tượng của dòng nhạc cách mạng. Năm nay, ở tuổi 70, tình yêu với âm nhạc của NSND Trung Đức vẫn cháy bỏng như ngày nào bởi ông luôn mong muốn đưa dòng nhạc cách mạng đến gần hơn với khán giả trẻ.
Khi được mời tham gia Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca đi cùng năm tháng” diễn ra trung tuần tháng 8 này, nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, NSND Trung Đức rất vui và xúc động. “Khi tôi đứng trên sân khấu, nhiều bạn trẻ không biết tôi là ai, nhưng khi tôi hát “Chào em cô gái Lam Hồng” thì cả khán phòng cổ vũ nồng nhiệt. Hát xong rồi, các cháu sinh viên cứ đi theo tôi và bảo chú hát thêm cho chúng cháu nghe. Tôi hát “Đường Trường Sơn xe anh qua”, các cháu thích quá lại yêu cầu tôi hát tiếp... Tôi luôn nghĩ những bài ca cách mạng có sức sống và sự lan tỏa lớn lắm, bởi luôn khơi dậy niềm tự hào và tôi tin rằng những câu chuyện đó không bao giờ cũ”, NSND Trung Đức chia sẻ.
NSND Trung Đức vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi mặc bộ quân phục và hát về Trường Sơn.Ảnh: MINH KHÁNH. |
NSND Trung Đức có cuộc sống vui khỏe bên con cháu trong ngôi nhà ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Hằng ngày, ông đều đặn dậy từ 5 giờ sáng và tập thể thao khoảng một tiếng đồng hồ; rồi dành 30 phút để luyện thanh nên luôn giữ được phong độ giọng hát. Nghệ sĩ vẫn thường xuyên nhận “sô” diễn; tham gia công tác giảng dạy thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hơn cả, ông giảng dạy miễn phí tại nhà cho những ai yêu ca hát, ưu tiên nhận các bạn trẻ và khuyến khích những học trò của mình truyền dạy cho nhiều người khác để lan tỏa tình yêu âm nhạc.
Với NSND Trung Đức, ký ức về Trường Sơn vẫn luôn là nỗi khắc khoải và hằn sâu trong ông: “Tôi từng là lính lái xe tải của Đoàn 559 ở Trường Sơn năm 1972. Hồi đó, tôi chở mì chính, muối và một số nhu yếu phẩm cho chiến trường đi từ Nghệ An theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị. Trong cabin xe của tôi lúc nào cũng có cây đàn guitar để tự đệm cho tiếng hát “cây nhà lá vườn” phục vụ anh em, bạn bè. Tôi còn nhớ một lần trên đường chở hàng vào Quảng Trị, chỉ còn cách thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 5km, xe của tôi bỗng nhiên bị hỏng, tôi phải dừng lại, không thể đi tiếp được. Phía trước tôi, 7 chiếc xe của đồng đội vẫn tiếp tục tiến lên. Tôi không thể ngờ, một loạt đạn rocket do máy bay Mỹ rải xuống ngay phía trước chưa đầy một cây số khiến 7 chiếc xe trước bốc cháy, 7 người lính lái xe hy sinh. Sau lần chết hụt ấy, tôi trưởng thành hẳn lên. Sau này, mỗi khi hát những bài ca về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn nằm lại chiến trường. Vì thế, tôi thực sự rất xúc động và hát bằng cả trái tim mình”.
NSND Trung Đức được giới chuyên môn khẳng định là giọng ca gắn với những bản tình ca về Trường Sơn làm mê hoặc lòng người, với “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tôi người lái xe”, “Vui mở đường”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”... Khi hát những bản tình ca về người lính, nghệ sĩ cảm thụ âm nhạc sâu sắc hơn và luôn gửi gắm vào đó cả nỗi niềm riêng cho những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, hát bằng cả trái tim mình để chuyển tải đến người nghe cái “hồn” của những ca khúc đi cùng năm tháng.
Trong dòng chảy âm nhạc, nhạc cách mạng được coi là dòng nhạc chính thống với các ca khúc hừng hực khí thế và nhiều thế hệ đã sống, cống hiến cho đất nước bằng mạch nguồn âm nhạc ấy. NSND Trung Đức bảo rằng, ông rất mừng khi có các ca sĩ trẻ vẫn yêu thích và thể hiện thành công dòng nhạc cách mạng. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ cần rèn luyện nhiều hơn, kỷ luật với chính mình; không được phép để sai sót trên sân khấu, phải chỉn chu từ trang phục đến giọng hát. Thêm nữa, các em nên trau dồi kiến thức (nhất là văn học) bởi khi thể hiện một bài hát phải hiểu sâu về nó, hát bằng cả trái tim mình. Chính sự nhân văn trong những trang sách, trang đời sẽ tạo cho nghệ sĩ một nền móng vững chắc trong cảm thụ âm nhạc để truyền tới khán giả thì mới đi vào lòng người nghe.
CHÂU XUYÊN